Jeremy Adam Smith đã học được những bài học cuộc đời từ người con riêng của mình - và anh ấy cảm thấy rất biết ơn vì điều đó.
Bài viết được viết bởi: Jeremy Adam Smith, biên tập viên tạp chí điện tử Greater Good Science Center (thuộc đại học Berkeley - UC Berkeley). Anh cũng là tác giả và đồng biên tập của 4 cuốn sách, bao gồm The Daddy Shift, Are We Born Racist?, và The Compassionate Instinct.
Tôi gặp Alex lần đầu khi con khoảng tám tuổi. Lúc đó, mẹ con - bạn đời của tôi, Michelle - gọi con là "con trai". Nhưng chỉ ngay sau khi bước sang tuổi 13, Alex nói với chúng tôi rằng "chúng con" không phải là con trai. "Chúng con" cũng không phải là con gái; con tự miêu tả bản thân mình là một người xuyên giới (non-binary - hay còn "phi nhị nguyên giới", chúng/they là cách gọi phi giới tính).
Đã mất một khoảng thời gian để Michelle, tôi và con trai tôi - anh của Alex - có thể hiểu và chấp nhận sự thay đổi về danh tính và cả cách xưng hô này, dần dần và chắc chắn, chúng tôi đã hiểu được thế nào là chuyển giới (transgender) và xuyên giới (non-binary). Alex đã dạy chúng tôi về điều đó. Alex đã dạy tôi rất nhiều thứ mà trong đó có cả những bài học không dễ dàng gì.
Việc nuôi dạy con trai tôi - Liko - đã luôn dễ dàng với tôi. Thằng bé và tôi đã cùng trải qua các giai đoạn phát triển tương ứng với nhau, giống như hai người cùng lái một chiếc xe đạp đôi đi trên một con đường vậy. Khi thằng bé bước qua tuổi thiếu niên, Liko càng trở nên giống tôi hơn, điều đó đã giúp tôi soi chiếu chính mình. Và thằng bé cũng khác biệt với tôi ở một số khía cạnh quan trọng, sự khác biệt mà tôi đã phải học cách tôn trọng. Trong những năm tới, tôi có thể thấy con đường của chúng tôi sẽ rẽ theo hai nhánh khác nhau và tôi đang học cách chấp nhận sự độc lập của con mình.
Chúng ta luôn học được nhiều điều từ những người mà chúng ta quan tâm, nhưng Alex đã thử thách tôi theo những cách khác hẳn với Liko. Làm cha dượng là một nhiệm vụ mà tôi đã thất bại hàng tuần. Phần lớn thời gian, thất bại là khi tôi mất bình tĩnh. Đôi khi, còn nghiêm trọng hơn vậy.
Nhìn thấy những ý định tốt của con trai ruột thì rất dễ dàng, nhưng với con riêng thì thực sự có những lúc tôi phải chiến đấu với bản thân mới thấy được điều gì là tốt nhất ở thằng bé. Mặc dù tôi biết rằng khi chúng ta mất niềm tin vào những đứa trẻ - khi chúng ta không thấy được khả năng trưởng thành của chúng - thì cuối cùng chúng ta phản bội lại chúng. Điều này đã rẽ ra hai hướng, tất nhiên. Con ruột tôi đã biến chuyển sự lạc quan của tôi dành cho thằng bé bằng cách lý tưởng hóa tôi; mặt khác, con riêng của tôi lại dường như liên tục tìm kiếm bằng chứng cho thấy tôi là một người không đáng tin và bất tài.
Đối với Alex, những khoảnh khắc giận dữ của mẹ Michelle giống như những cơn bão nhiệt đới, khó chịu nhưng tự nhiên và có thể dự đoán được. Tôi đã giữ cho Michelle sự lạc quan dành cho Alex sau khi trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng cuối cùng, cô ấy cũng sẽ không bao giờ bỏ rơi đứa con của mình. Còn thất bại của cha ruột trong con thì lại dễ dàng bị lãng quên, bởi vì tất cả chúng ta đều tự rèn luyện để sống với những thiếu sót của cha mẹ (mặc dù việc thức dậy cùng với họ, thường là ở trong những năm thiếu niên, có thể là một quá trình khổ sở đối với tất cả những người hay để tâm). Mặt khác, những sai lầm của tôi lại luôn là cái bóng to lớn trong trí tưởng tượng của Alex, điều mà tôi đã nhận ra từ các buổi trị liệu gia đình.
Qua nhiều năm, tôi đã nhận ra rằng sự thất bại của tôi không hoàn toàn là sản phẩm của những điểm yếu riêng của tôi - điều mà chắc chắn là tồn tại rất nhiều - hay là do những đấu tranh cá nhân của riêng Alex - điều mà cũng hay xảy ra - mà là do sự khó khăn đặc thù của mối quan hệ giữa cha dượng và con riêng. Tôi nghĩ rằng bất kể người cha/mẹ kế có quan tâm hay thành đạt hay thông thái đến mức nào; người con riêng dù có thể thương mến cha dượng thật lòng đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không thể cảm thấy hoàn toàn thoải mái như với cha ruột của mình. Cha/mẹ kế cần phải đáp ứng một hệ tiêu chuẩn cao hơn, và có lẽ họ nên như vậy, nếu họ muốn những đứa trẻ cảm thấy an toàn khi ở cạnh họ.
Tôi thì có rất nhiều cơ hội để phá hỏng mọi thứ. Chúng tôi có quyền giám hộ chính, điều đó có nghĩa là tôi dành rất nhiều thời gian để nấu ăn và dọn dẹp cho Alex và cả giám sát việc nhà cũng như đảm bảo con sẽ đánh răng hàng ngày. Thế nhưng, vào Ngày của Cha, tôi đã không nhận được một tấm thiệp nào công nhận vị trí của mình trong cuộc đời của Alex cả; không hề có sự đánh giá cao hay lòng biết ơn nào cả. Tại sao lại như vậy? Bởi vì việc tôn vinh tôi, người cha dượng, sẽ làm mất danh dự cho cha ruột của Alex. Điều này là bình thường, ngay cả tôi cũng cảm thấy vậy.
Một số lượng lớn bất ngờ các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trải nghiệm của tôi là điển hình, nếu không muốn nói là phổ biến. (Nhưng sẽ luôn có sự khác biệt: tôi đoán là sự khác biệt lớn nhất là ở lứa tuổi đứa trẻ bước vào cuộc sống với cha/mẹ kế.) Theo nhà tâm lý học Joshua Gold viết trong The Family Journal, sự mơ hồ, mâu thuẫn và cô lập quyết định trải nghiệm của các ông bố dượng, theo như nghiên cứu: “Ranh giới, vai trò và sự xáo trộn thường được thấy phổ biến hơn ở các gia đình có cha mẹ kế, hơn là gia đình có cha mẹ đẻ - do các gia đình có cha mẹ kế không có một hình mẫu chính thức”. Cách nói của ông ấy bị động và khô cứng, theo một hướng ngầm ám chỉ rằng tình cảm ruột thịt mới là thứ chủ chốt trong việc hình thành nên một gia đình.
Tôi cũng không hề bất ngờ khi khám phá ra một nghiên cứu khác, đó là: cha dượng thì luôn được cho là phải nỗ lực hơn cha đẻ. “Những người cha có thể tự bào chữa cho việc ít quan tâm đến con cái của mình miễn là họ vẫn chu cấp đầy đủ cho chúng”, theo như Gold. “Tuy nhiên, trong trường hợp là con riêng, suy nghĩ như vậy sẽ không thể tạo nên được một mối quan hệ tốt”. Tôi chắc chắn đã nỗ lực hơn rất nhiều khi làm cha của Alex so với khi làm cha của Liko. Gần như tất cả mọi sự tương tác của tôi với Alex đều cần sự tập trung, tự kiểm soát, những câu hỏi và sự giao tiếp. Với Alex, sẽ là thảm họa nếu tôi cứ cho mọi thứ là đương nhiên.
Điều gì có thể giải thích cho sự trái ngược giữa nỗ lực thực sự của cha dượng và sự vô hình, có khi là sự thù địch mà họ phải chịu đựng?
"Cha/mẹ kế vốn dĩ đã luôn dễ bị ghét bỏ hoặc hằn học, và thực sự bạn sẽ không làm được gì nhiều với điều đó ngoài việc chịu đựng và cần mẫn gieo hạt giống của sự ôn hòa và tinh thần tốt khi đối mặt với bất kỳ cơn bão nào có thể xảy ra với bạn”, theo như Maggie Nelson đã viết trong cuốn hồi ký tuyệt vời năm 2016 của cô ấy, The Argonauts. “Và cũng đừng mong chờ nhận được vinh quang từ xã hội, vì cha mẹ đẻ có thể là một sảnh đường bất khả xâm phạm, nhưng cha mẹ kế thì lại là kẻ xen vào, tự tiện, tàn nhẫn, là thứ gây ô nhiễm và kẻ làm phiền đứa trẻ".
Đó là sơ bộ của hầu hết các vấn đề. Nếu tình yêu giữa cha mẹ và con cái sẽ giống như điều tự nhiên và thiêng liêng nhất trên thế giới, tình yêu giữa cha/mẹ kế và con riêng lại có cảm giác phản tự nhiên và thậm chí là sai trái đối với một số người. Thế, tại sao họ lại làm vậy? Tại sao người ta phải nhận lấy trách nhiệm làm cha dượng?
Chúng ta trở thành cha/mẹ kế vì chúng ta yêu người cha mẹ còn lại - và khi giúp đỡ nuôi nấng Alex tôi đã có được một mối quan hệ sâu sắc hơn, chất lượng hơn với mẹ của Alex. Việc làm cha không hề trở nên dễ dàng hơn khi tôi rời bỏ vợ cũ; những buổi tối với Michelle chắc chắn không hề trở nên lãng mạn hơn khi chúng tôi chuyển về ở chung cùng với những đứa trẻ. Những cuộc cãi vã tệ nhất của chúng tôi đều xoay quanh việc làm cha mẹ. Cả hai cuộc hôn nhân trước đây của chúng tôi đều kết thúc tệ hại, và như hầu hết những người ly hôn ở tuổi trung niên, chúng tôi bước vào cuộc đời nhau với cảm giác trách móc và cảnh giác. Chúng tôi biết điều gì làm tan vỡ một gia đình và chúng tôi chưa hề quên cảm giác đổ vỡ là như thế nào. Và do đó, khi tôi và Michelle cãi vã, chúng tôi cãi vã để thấu hiểu, không phải để hơn thua. Chúng tôi đổ lỗi, nhưng chúng tôi cũng tha thứ. Chúng tôi phạm lỗi, rồi chúng tôi xin lỗi. Mọi mâu thuẫn đều hướng đến việc giải quyết. Dù có cao giọng nhưng đôi tai và trái tim chúng tôi luôn mở rộng, ít nhất là đến lúc này.
Trải qua tất cả những thăng trầm trên, tôi đã có thể thấy nhiều thứ về người bạn đồng hành của mình hơn là khi chúng tôi còn là tình nhân và chưa hề thử nuôi con cùng nhau. Tôi đã chứng kiến sự chịu đựng đáng kinh ngạc và lòng trắc ẩn của cô ấy khi Alex khó khăn. Tôi cũng thấy cả sự yếu đuối của cô ấy nữa. Khi tôi yếu đuối, những khuyết điểm của cô ấy có thể khiến tôi mất bình tĩnh. Nhưng khi tôi mạnh mẽ, chúng lại làm nảy sinh sự dịu dàng trong tôi. Khi tôi thấy cô ấy chật vật làm mẹ, tôi cố gắng đồng hành cùng cô ấy. Khi đang cố gắng giúp cô ấy mạnh mẽ hơn, tự tôi cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Không có điều gì là dễ dàng cả, nhưng nó cũng không phải là về “dễ” hay “khó”. Đó là về chăm nom những con người bé nhỏ cho đến khi chúng đủ lớn để tự chăm lo cho bản thân mình.
Tôi thường lấy cảm hứng từ mối quan hệ giữa Michelle và bố cô ấy, Jim. Cô ấy gọi ông là “Bố” và ông ấy cũng nhận nuôi cô ấy hợp pháp, nhưng Jim đã bước vào cuộc đời Michelle với vai trò giống như cha dượng trong cùng khoảng độ tuổi khi tôi bước vào cuộc đời Alex. Cha đẻ của Michelle không phải là người tốt. Chúng ta thường tin rằng trẻ em tốt hơn là nên ở với cha mẹ đã sinh ra chúng - nhưng đôi khi, những người cha mẹ thứ hai lại được cho là tốt hơn, đây là điều mà tôi luôn nhớ đến khi tôi cảm thấy đuối sức.
Theo như tôi hiểu, ban đầu, mọi chuyện giữa Jim và Michelle cũng khá là khó khăn, nhất là trong khoảng thời gian thiếu niên của cô ấy. Nhưng giờ đây, họ yêu quý nhau và có một mối quan hệ tuyệt vời. Michelle đã phát triển mạnh mẽ nhờ một phần không nhỏ từ Jim, người đã giúp đỡ cô ấy trong việc chữa lành tổn thương gây ra bởi những ký ức bị lạm dụng từ thời thơ ấu.
Điều đó nhắc nhở tôi về việc làm cha mẹ lâu dài sẽ thế nào. Tôi đã luận ra rằng Jim thành công trong việc làm cha dượng chỉ đơn giản là nhờ luôn giữ bình tĩnh, ổn định và ân cần. Khi mọi thứ trở nên khó khăn với Alex, tôi cố gắng giống Jim, hoặc giống với Jim như tôi tưởng tượng về ông ấy. Dù tôi có mắc lỗi lầm gì, dù tôi có không biết điều gì, bất cứ khi nào tôi không chắc chắn, tôi vẫn luôn cố gắng tiếp tục thể hiện và không bao giờ bỏ cuộc, và tôi sẽ cố gắng tiếp tục học những gì Alex đã dạy cho mình.
Quá trình này không phải luôn luôn dẫn đến hạnh phúc - nhưng nhiệm vụ của một đứa trẻ không phải là làm vui lòng cha mẹ chúng. Alex đã trao tôi một món quà còn quý giá hơn cả hạnh phúc. Con đã cho tôi hiểu ý nghĩa cuộc đời.
Tôi đã ngầm chấp nhận những thất bại của mình với vai trò là cha dượng, tuy nhiên cũng có những lúc chiến thắng, cho dù nhìn qua thì chúng không giống chiến thắng cho lắm. Rất nhiều lần, tôi đã kiên nhẫn với Alex đủ lâu như tôi mong muốn, và điều đó đã thúc đẩy con đúng vào lúc con cần nhất - và tôi cũng cảm thấy hài lòng khi được nhìn thấy con trưởng thành. Đã có những khoảnh khắc Alex nắm lấy tay tôi khi chúng tôi đi bộ trên vỉa hè; tôi đều nhớ từng khoảnh khắc một. Tôi đã cảm thấy tự hào khi Alex thiết kế được một trò chơi điện tử đẹp tuyệt hay khi con chơi một bài nhạc hoàn chỉnh bằng kèn trumpet.
Tôi đã thấy kinh ngạc khi tôi đưa Alex đến trung tâm chuyển giới đa chuyên khoa tại Kaiser và con đã phải đối mặt với một phòng đầy người lớn - tôi, một bác sĩ nhi khoa, một bác sĩ nội tiết, và một thực tập sinh - nhằm khám phá tuần tự những điều cần thiết để có thể lồng ghép vừa vặn cơ thể con với con người bên trong của con. Và đó là lúc tôi thực sự hiểu ra, một cách sâu sắc cụ thể, rằng sự chuyển đổi của Alex không phải chỉ là một giai đoạn, mà là cả một quá trình con phải trải qua để được trở thành chính mình. Và tôi đã hiểu thêm nhiều điều về Alex - về việc con có thể dũng cảm và quyết tâm thế nào - tôi cũng đã học được khá nhiều - cả ở cấp độ sinh học và tinh thần, về nhân sinh của chúng ta.
Từ những trải nghiệm như vậy mà tôi đã học được cách yêu thương con riêng của mình. Tình yêu chắc chắn sẽ nảy sinh khi bạn nuôi nấng một sinh mạng. Tuy nhiên sinh mạng đó lại đến với chúng ta từ nhiều hướng khác nhau, đó là lý do tại sao tình yêu lại có nhiều hình dạng. Tôi đã ở đó khi con trai tôi đến với thế giới, một sinh vật hai chân. Đôi bàn chân bé xíu, đỏ hỏn của con chưa bao giờ chạm tới Trái Đất; con đến như một trang giấy trắng không tì vết. Con riêng của tôi thì lại đến bằng một con đường khác, một người lạ đi ngang qua với những năm tháng cuộc đời bên cạnh mẹ con. Tôi đã phải tìm kiếm vị trí của mình bên cạnh họ; và tôi phải cố gắng nỗ lực mỗi ngày. Phần lớn thời gian, điều đó có nghĩa là tôi chỉ cần xuất hiện, dù có không hoàn hảo, chỉ cần ở cạnh bên và giúp đỡ Alex trải qua một quá trình trưởng thành tuy nhiều khó khăn khủng khiếp nhưng đẹp đẽ. Cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn vì Alex. Đó là lý do tại sao tôi không trông mong sự biết ơn vào Ngày của Cha. Chính Alex mới là người tôi nên cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội được làm cha dượng của con.
Nguồn bài dịch: https://greatergood.berkeley.edu/article/item/what_being_a_stepfather_taught_me_about_love
Người dịch: Minh Trang Nguyễn Người biên tập: Trang (một Trang khác :D)
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments