"Tất cả những điều mà chúng ta khó chịu về người khác có thể dẫn chúng ta đến sự hiểu biết về chính bản thân mình." ~ C.G. Jung
Chúng tôi đến thăm bố mẹ ở ngôi nhà trong rừng vào cuối tuần. Tôi mở khóa cửa vào cabin và bật công tắc. Đèn không sáng, thế nên tôi bắt đầu nhanh chóng bật các công tắc khác. Tôi phải gọi chồng tôi đến để kiểm tra xem.
Anh ấy đi đến hộp cầu dao phía đằng sau. Tôi nghe thấy tiếng công tắc khi anh ấy bật và tắt chúng. Anh ấy phải hét lên liên tục, "Thử nhìn phòng khách xem!" Tôi báo cáo lại, "Không được."
"Thử nhìn phòng ngủ xem!" Tôi báo cáo lại lần nữa, "Không nốt".
Chúng tôi cứ làm vậy được vài lần, rồi anh ấy đi vòng quanh và nói, "Cầu dao bị hư rồi. Họ sẽ phải báo thợ điện thôi."
Anh ấy bước ra cửa trước và cúi xuống đi lại đôi giày. Tôi hỏi, "Vậy nó không phải là thứ mà anh có thể sửa được à?"
Anh ấy nhìn qua vai và trả lời, "Anh có nỗi sợ với hai thứ - rắn và điện."
Và rồi anh ấy kéo phủ ống quần lên chiếc giày bên phải. Tôi nói đùa, "Chỉ hai thôi ư? Anh không sợ em à?" và tôi tinh nghịch vỗ vào mông anh ấy.
Anh đi nốt chiếc giày bên trái, vuốt thẳng ống quần còn lại và đứng lên. Anh ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói mà không cười, "Ừ, em nữa, khi mà chúng ta không như em mong muốn và không hoàn thành mọi thứ theo cái cách mà em muốn."
Nụ cười trượt ra khỏi gương mặt tôi và đôi vai tôi chùng xuống. Cảm xúc của anh vẫn còn đôi chút tổn thương từ lời khiển trách của tôi đêm hôm trước. Tôi mở to đôi mắt buồn bã và rớt khóe miệng để trông thật đáng thương. Anh giữ vững lập trường của mình, "Em à, thi thoảng em chọc anh, anh chỉ chọc em lại thôi."
Thật vậy, lời nói của anh ấy như một que cời nóng cháy sắp xếp lại đống than hồng trong lòng tôi. Một ngọn lửa bắt được và cái tôi nóng nảy của tôi đã lén lút trả lời, "Em chỉ làm những gì tốt cho anh thôi". Nhìn vào mắt anh tôi thấy một bức tường được dựng lên. Anh cảm nhận được một bài rao giảng đang đến và quay mặt bước đi.
Tôi đứng đó một mình trong niềm tự hào. "Đúng vậy, tôi có thúc đẩy chồng và con tôi để trở nên tốt hơn. Vậy thì sao chứ?" Nhưng trong chính giây phút đó con tim tôi thổn thức, "Cụ thể là tốt hơn điều gì? Họ vốn đã là những món quà tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi rồi."
Một thời gian trôi qua. Tôi quyết định đi bộ để dọn dẹp lại tâm trí và chữa lành vết thương. Khi tôi đang khởi động, tôi nghe cha tôi phàn nàn từ xa. Ông ấy buồn vì ai đó đã làm mọi thứ không đúng theo ý ông.
Ông đang giảng cho đứa con trai mười tuổi của tôi một bài học về việc vô trách nhiệm. Con tôi đâu phải là thủ phạm, nhưng ông vẫn giảng một bài về việc làm "sai cách".
Tôi cho rằng bố tôi có ý định dạy con trai tôi điều gì đó, nhưng lời quở trách của ông đánh thức con gấu mẹ trong tôi. Tôi gầm lên, "Tại sao ông ấy lại đặt kỳ vọng vô lý lên đứa con của tôi chứ?"
Trước lúc tôi nổi điên, tôi nhận thấy gánh nặng này có một sự quen thuộc kỳ lạ. Tôi bất chợt nhận ra rằng tôi không buồn lòng về cha mình, mà là về chính bản thân tôi. "Đó đúng là cái cách mà thỉnh thoảng tôi vẫn nói", con tim nhắc tôi nhớ. Và tôi có thể nhìn rõ ràng chồng tôi đã chọc phải điều gì trong tôi.
Tôi nhắm đôi mắt lại và phơi nỗi xấu hổ trước ánh mặt trời.
Nhẹ nhàng hạ thấp đôi vai về phía lưng để mở căng lồng ngực. Hít một hơi thật sâu và giữ hơi lại. Thở ra sự tội lỗi. Hít vào tôi tha thứ và buông bỏ sự kiểm soát.
Trong sự tĩnh lặng tôi nhận biết mình đang vỡ vụn, nhưng tôi không đi quá việc sửa chữa. Tôi có thể gửi lời xin lỗi đến những chàng trai bé nhỏ của tôi vì đã có kỳ vọng khác với vẻ đẹp vốn có của chúng. Và tôi có thể lưu ý lại rằng tôi đã làm căng như thế nào và mong muốn được chuyển hóa bởi tình yêu.
Ai trong chúng ta cũng có những điểm mù mà chính nó làm suy yếu đi các mối quan hệ. Tôi đã nhận ra rằng cách tốt nhất để có được cái nhìn sâu sắc là tạm dừng và thật sự lắng nghe khi ai đó chia sẻ sự thất vọng của họ với chúng ta. Nếu chúng ta nén lại cái tôi và giữ chặt đôi môi, đôi mắt của chúng ta sẽ mở to và trái tim chúng ta cũng vậy.
Có một cách để có thể nhận thức được điểm mù của chúng ta là bắt đầu chú ý đến những tình huống liên tục làm chúng ta giận dữ. Một tình huống không thể làm cho chúng ta điên lên trừ khi nó kết nối sâu sắc với điều gì đó nằm trong chúng ta. Đã đến lúc chúng ta hành động để xác định chính xác sự giận dữ của chúng ta đang kết nối với điều gì và tại sao lại như vậy.
Một khi nhận thức được điều gì làm chúng ta phát cáu, chúng ta có thể nhìn vào bên trong. "Khi nào và ở đâu trong cuộc đời mình, tôi đã có thể làm điều gì đó tương tự như vậy?"
Nếu sự thiếu tôn trọng khiến bạn bất mãn, thì khi nào và ở đâu trong cuộc sống của bạn, bạn có thể đã thiếu tôn trọng chính mình hay với một người khác?
Nếu bị kiểm soát khiến bạn bực mình, thì khi nào và ở đâu trong cuộc đời bạn chính bạn đã trở nên kiểm soát quá mức?
Nếu sự bất công làm bạn tức giận, khi nào và ở đâu trong chính cuộc sống của bạn có những bất công dù chỉ một chút nhỏ nhất?
Công cuộc thay đổi thế giới của chúng ta bắt đầu bằng việc nhìn vào bên trong. Chính từ nơi tự nhận thức và đích thực này mà chúng ta có thể bắt đầu thật sự chữa lành những tổn thương và học yêu thương chân thành người khác như họ vốn là.
Nguồn bài dịch: https://tinybuddha.com/blog/how-self-awareness-can-help-us-love-people-just-as-they-are/
Người dịch: Hải Yến
Người biên tập: Trang
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
コメント