top of page

Stress Là Gì? Ảnh Hưởng Ra Sao? Có Nên Loại Bỏ Hoàn Toàn Stress Không?

Đã cập nhật: 9 thg 1, 2019

Tất cả chúng ta đều trải qua stress trong cuộc sống. Phần lớn các vấn đề sức khỏe tinh thần, có nguồn gốc hoặc có sự ảnh hưởng bởi stress. Đó là lý do vì sao mà việc "hiểu về cách mà stress ảnh hưởng đến cơ thể bạn" lại quan trọng đến vậy. Từ đó mà chúng ta có thể học các kỹ thuật để kiểm soát stress một cách hiệu quả, sao cho "stress phải phục vụ bạn - chứ không phải chống lại bạn".

1 - Vậy thì Stress là cái gì?

Stress là sự phản hồi của cơ thể với những thay đổi trong cuộc sống của bạn. Bởi vì cuộc sống là chuỗi dài của những sự thay đổi liên tiếp (từ những thay đổi đơn giản như thay đổi nơi sống, nơi làm việc cho đến những thay đổi lớn lao hơn như lập gia đình, ly hôn hoặc sự mất mát người thân yêu) và những thay đổi đó không tránh khỏi stress. Đó là lý do vì sao mục tiêu của chúng ta không nên là "loại trừ tất cả mọi stress", mà là nên "loại trừ những stress không cần thiết" và tìm cách kiểm soát nó một cách hiệu quả, trong sự bình yên. Có những lý do phổ biến dẫn đến stress mà đa số mọi người đều trải nghiệm, nhưng với mỗi người thì lại trải nghiệm một cách khác nhau.





2 - Nguyên do của Stress

Căng thẳng có thể đến từ nhiều nguồn, điều thường được gọi là "Stressors - yếu tố gây căng thẳng". Bởi vì trải nghiệm của chúng ta về những gì được coi là "Stressful - điều căng thẳng" được tạo ra bởi nhận thức độc đáo của mỗi người, không ai giống ai. Điều đó phụ thuộc về những gì chúng ta gặp phải trong cuộc sống, dựa trên sự pha trộn giữa những đặc điểm tính cách, những mẫu hình tư duy (ví dụ: lạc quan, cầu toàn hay tiêu cực...), các điệu kiện cá nhân và nhiều điều khác. Một tình huống có thể được coi là "căng thẳng" với một người nhưng có thể chỉ là một "thử thách" với người khác.


Nói một cách đơn giản, "trigger - thứ kích hoạt" căng thẳng của một người có thể không phải là điều gây ra căng thẳng cho người khác. Tuy nhiên, một số tình huống có xu hướng gây ra căng thẳng ở hầu hết mọi người và có thể làm tăng nguy cơ kiệt sức. Chẳng hạn, khi chúng ta thấy mình trong những tình huống như là:

- Tình huống mà chúng ta gặp phải một sự đòi hỏi/yêu cầu cao - Nơi chúng ta có ít quyền kiểm soát và ít lựa chọn - Nơi chúng ta không cảm thấy được chuẩn bị trước - Nơi chúng ta có thể bị người khác đánh giá một cách gay gắt - Nơi là hậu quả của sự thất bại, như là sự tụt dốc hoặc sự bất định

Ở những tình huống này, chúng ta thường có xu hướng bị căng thẳng.



Bởi vì điều này, nhiều người bị căng thẳng bởi công việc, những mối quan hệ, vấn đề tài chính, vấn đề sức khỏe và những thứ đời thường hơn như sự lộn xộn hoặc lịch trình bận rộn. Học các kỹ năng để đối phó với các "Stressors - yếu tố gây căng thẳng" này, có thể giúp giảm trải nghiệm căng thẳng của bạn.


3 - Ảnh hưởng của Stress Sự căng thẳng được mỗi chúng ta cảm nhận khác nhau, cách mà căng thẳng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, cũng theo những cách hoàn toàn khác nhau. Có người có thể bị đau đầu, trong khi một người khác có thể thấy khó chịu ở dạ dày - cũng là một phản ứng phổ biến, trong khi số còn lại có thể gặp rất nhiều triệu chứng khác. Có một danh sách dài các tác động thường gặp của căng thẳng, trải dài từ nhẹ nhàng cho đến đe dọa tính mạng. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và có thể ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các lĩnh vực của sức khỏe. Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng theo nhiều cách.


Nếu bạn thấy mình gặp phải các triệu chứng mà bạn nghĩ là có thể liên quan đến căng thẳng, điều quan trọng là bạn phải kiểm soát mối căng thẳng đó và nói chuyện với bác sĩ để chắc chắn rằng bạn đang làm những gì có thể để bảo vệ sức khỏe của bạn.



Các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không được xử lý, bởi vì căng thẳng không phải là "thứ bạn tự vẽ ra trong đầu" và cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Lên một kế hoạch để kiểm soát căng thẳng là một phần của kế hoạch phải làm, giúp bạn có một sức khỏe lành mạnh.

4 - Hiệu quả của việc kiểm soát stress

Stress có thể được quản lý hiệu quả theo nhiều cách khác nhau. Các kế hoạch quản lý căng thẳng tốt nhất thường bao gồm sự kết hợp giữa các cách giải tỏa căng thẳng - thứ giúp giải quyết căng thẳng về thể chất và các liệu pháp tâm lý, các biện pháp này giúp phát triển khả năng phục hồi và kỹ năng đối phó với stress.


Một số kỹ thuật giảm căng thẳng có thể có tác động chỉ sau vài phút, để làm dịu phản ứng căng thẳng của cơ thể. Những kỹ thuật này cung cấp một số cách "quick fix - điều chỉnh nhanh", giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn trong khoảnh khắc và những điều này có thể giúp theo nhiều cách. Khi sự phản ứng do căng thẳng của bạn không được kích hoạt (trigger), bạn có thể tiếp cận vấn đề một cách chu đáo và chủ động hơn. Khi đó bạn cũng có thể sẽ ít tạo ra tác động tiêu cực đến người khác vì sự thất vọng, điều này có thể giữ cho các mối quan hệ của bạn lành mạnh hơn. Ngăn chặn stress từ khi nó mới được khơi gợi, cũng có thể giúp bạn không gặp căng thẳng một cách mãn tính.


Một số cách giải tỏa căng thẳng nhanh (ví dụ như những bài tập thở), những cách này có thể không giúp bạn xây dựng khả năng hồi phục trước căng thẳng trong tương lai hay giảm thiểu các tác nhân gây căng thẳng mà bạn phải đối mặt, nhưng chúng có thể giúp làm dịu đi phản ứng của cơ thể, sau khi căng thẳng được kích hoạt.



Một số kỹ thuật có thể không thuận tiện lắm để sử dụng, khi bạn đang ở ngay trong tình huống căng thẳng. Nhưng nếu bạn thực hành chúng thường xuyên, chúng có thể giúp bạn quản lý căng thẳng nói chung, bằng cách ít phản ứng lại và có thể tinh chỉnh lại phản ứng căng thẳng của bạn một cách nhanh chóng và dễ dàng.


Những thói quen lành mạnh, như tập thể dục hoặc thiền định thường xuyên, có thể giúp thúc đẩy khả năng phục hồi đối với các tác nhân gây căng thẳng, nếu bạn biến chúng thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của bạn. Kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng sống khác có thể hữu ích trong việc quản lý các yếu tố gây căng thẳng và thay đổi cách chúng ta cảm thấy "choáng ngợp" hay "bị thách thức" hoặc thậm chí "bị kích động".

Có thể bạn không thể loại bỏ hoàn toàn căng thẳng khỏi cuộc sống của mình, hay không thể loại bỏ những yếu tố gây căng thẳng khó nhằn, nhưng có những lĩnh vực mà bạn có thể giảm thiểu nó và đưa nó đến mức có thể kiểm soát được. Ví dụ, kết thúc ngay một mối quan hệ độc hại có thể giúp bạn giải quyết hiệu quả hơn các căng thẳng khác mà bạn gặp phải vì bạn có thể cảm thấy bớt choáng ngợp hơn. Khám phá các kỹ thuật đa dạng của việc kiểm soát stress, và chọn cho mình những kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của mình, có thể là một chiến lược chủ chốt cho việc giải tỏa stress một cách lành mạnh.


5 - Những câu hỏi thường gặp về Stress


  • Stress có gây hại cho sức khỏe không?

Thật ra, là không. Có một số loại căng thẳng khác nhau, từ Eustress - là một dạng căng thẳng tích cực và thú vị (Eu-tiếng Hi Lạp có nghĩa là "Tốt", ví dụ về Eustress như khi chúng ta phấn khích bởi trò tàu lượn siêu tốc, phim ma, hay một số thử thách thú vị, sự hồi hộp trước ngày được đi chơi, hẹn hò...) , đến "Chronic Stress" - một dạng căng thẳng mãn tính, có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và là loại stress tiêu cực thường được đề cập trong truyền thông. Mặc dù chúng ta muốn kiểm soát hoặc loại bỏ các loại căng thẳng tiêu cực, chúng ta cũng muốn giữ các dạng căng thẳng tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta gặp quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống, khi ấy thậm chí những dạng "stress tốt" cũng có thể góp phần vào mức độ căng thẳng quá mức, dẫn đến cảm giác quá tải hoặc khiến phản ứng căng thẳng của bạn bị kích hoạt quá lâu. Đây là lý do tại sao vẫn cần học cách thư giãn cơ thể và tâm trí của bạn theo định kỳ và giảm bớt căng thẳng không cần thiết bất cứ khi nào có thể.

  • Làm sao tôi có thể nhận ra, khi tôi quá stress?

Stress ảnh hưởng đến tất cả chúng ta theo những cách khác nhau, không phải tất cả đều tiêu cực. (Trên thực tế, sự căng thẳng của một cuộc sống thú vị, thực ra có thể đóng vai trò là động lực tốt và giữ cho mọi thứ thú vị). Tuy nhiên, khi mức độ căng thẳng trở nên quá mãnh liệt, có một số triệu chứng căng thẳng mà đa phần mọi người gặp phải. Ví dụ, đau đầu, cáu gắt... tất cả đều có thể là triệu chứng khiến bạn phải chịu quá nhiều căng thẳng. Mặc dù không phải ai bị căng thẳng cũng gặp phải những triệu chứng cụ thể này, nhưng nhiều người sẽ bị như vậy. Nếu bạn không nhận ra mình bị căng thẳng như thế nào, cho đến khi bạn bị choáng ngợp, thì điều quan trọng là bạn cần học cách chú ý các tín hiệu tinh tế của cơ thể và hành vi của chính bạn, gần giống như một người quan sát chính mình từ bên ngoài. Để nhận thấy cơ thể bạn đang phản ứng với căng thẳng như thế nào, bạn có thể thử phương pháp "Body Scan Meditation (biện pháp thiền giúp "scan" toàn cơ thể) (nó cũng giúp bạn thư giãn nữa đó).

  • Tôi có thể làm gì khi cảm thấy quá tải vì căng thẳng?

Tất cả chúng ta đều cảm thấy choáng ngợp hết lần này đến lần khác, bởi stress - điều đó là bình thường. Hầu như không thể loại stress, ở những thời điểm khi mà các sự kiện và phản ứng căng thẳng của cơ thể đã được kích hoạt. Tuy nhiên, có những cách bạn có thể nhanh chóng làm đảo ngược phản ứng của cơ thể với căng thẳng, ví dụ bạn có thể giữ cho suy nghĩ của bạn rõ ràng hơn, từ đó bạn có thể giải quyết hiệu quả hơn với những gì đang diễn ra trong thời điểm ấy.

  • Có cách nào để ít bị ảnh hưởng bởi căng thẳng?

Trên thực tế, bằng cách thực hành một hoặc hai kỹ thuật quản lý căng thẳng một cách thường xuyên, bạn có thể loại bỏ một số căng thẳng mà bạn cảm thấy ngay lúc này và khiến bản thân trở nên kiên cường hơn khi đối mặt với căng thẳng trong tương lai. Có một số cách khác nhau bạn có thể thử, từ đi bộ buổi sáng đến thực hành viết nhật ký buổi tối, hay dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè. Bí quyết là cần tìm ra thứ gì đó phù hợp với lối sống và tính cách của bạn, để nó dễ dàng gắn bó với đời sống của bạn hơn.

 

Người dịch: Phạm Đại Bàng Nguồn bài viết: https://www.verywellmind.com

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page