Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:
Trong một lớp học cuối năm rồi tôi bị sốc bởi câu nói của người hướng dẫn “Yêu không phải để hạnh phúc!”. Lúc ấy tất cả tế bào não của tôi dường như dừng hoạt động. Chúng ta sống trên đời chẳng phải để hạnh phúc ư!? Điều đó cứ bám chặt theo tâm trí tôi suốt cả mùa tết vừa qua, bắt tôi phải chiêm nghiệm lại rốt cuộc nếu cuộc sống không phải vì mục đích hạnh phúc thì nó vì mục đích gì?
Dù chúng ta có đọc qua bao nhiêu quyển sách từ kinh sách cho đến sách phát triển bản thân, nghe biết bao bài giảng làm người nhưng tại khoảnh khắc đau khổ dường như tất cả những lý thuyết rao giảng đó đều bay biến đi đâu cả. Lúc đó, chúng ta đứng trước bản năng “chiến hay biến” (fight or flight) và thường chọn con đường dễ dàng hơn “tẩu vi thượng sách”. Nếu bạn và tôi đều đã từng chạy trốn khỏi nỗi đau, xoay vần trong mớ bòng bong hạnh phúc - đau khổ - chạy trốn đau khổ mà vẫn không không thành công, tại sao đầu năm mới 2020 này chúng ta không thử dừng chân lại, xoay lưng đối diện với nỗi đau hằng đuổi theo sau mình?
Mời các bạn đọc bài viết sau để mồi thêm động lực và có can đảm đương đầu với nỗi đau của chính bản thân mỗi người nha.
"Mọi người phải chấp nhận đau đớn là một điều kiện của sự tồn tại" - Morris West
Điều này nghe có vẻ đi ngược lại với trực giác, nhưng năm nay tôi muốn từ bỏ việc cố gắng tránh khỏi đau khổ. Điều đó không có nghĩa tôi là một người thích chịu đựng đau khổ hay dự định sẽ trải qua năm tới một cách khốn khổ. Điều đó chỉ là một câu hỏi về việc học cách chấp nhận cuộc sống như nó vốn là - không chắc chắn, đầy bất ngờ và với đầy các tình huống khó khăn.
Mong ước được hạnh phúc của chúng ta
Có điều là tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Không có gì sai với điều đó cả, nhưng nếu chúng ta sợ không hạnh phúc, thì chúng ta đã tự làm suy yếu chính mình. Chúng ta quá tập trung vào việc theo đuổi những thứ mà chúng ta nghĩ sẽ khiến mình hạnh phúc đến nỗi ta quên đi bức tranh toàn cảnh.
Cha mẹ có xu hướng nuôi dạy con cái theo cách nói rằng họ muốn chúng được hạnh phúc. Chúng ta được bao quanh bởi những hình ảnh quảng cáo về một cuộc sống hạnh phúc thì sẽ trông như thế nào. Khi chúng ta cảm thấy thất vọng và không vui, ta có xu hướng cảm thấy rằng bằng cách nào đó mình đang làm mọi người thất vọng, rằng chúng ta đang thất bại theo một cách nào đó. Không ai muốn cảm thấy thất bại, và vì vậy chúng ta cố gắng gấp đôi chiến lược của mình để tránh đau khổ.
Chiến lược né tránh đau khổ của chúng ta
Chúng ta giữ cho mình bận rộn để không có thời gian ngồi tĩnh lặng và suy ngẫm. Và có hàng triệu cách để giải trí và đánh lạc hướng bản thân. Nếu chúng ta chán, chúng ta có thể lướt mạng, đọc tin tức hay các trang mạng xã hội. Khi chúng ta cảm thấy buồn, chúng ta có thể đi mua sắm, xem phim, ra ngoài ăn - bất kể điều gì mà chúng ta muốn để chạy trốn khỏi nỗi buồn đó.
Khi đau khổ vượt qua được những sao lãng đó và buộc chúng ta phải chú ý, thì sự tránh né của chúng ta lại càng tinh vi hơn. Chúng ta đẩy nó đi. Chúng ta giả vờ nó không có ở đó. Đau khổ trở thành kẻ thù của hạnh phúc và là điều cần tránh càng nhanh càng tốt.
Khi sự tránh né không còn hiệu quả nữa và sự đau khổ đang nhìn chằm chằm vào ta, thì khi đó chúng ta sẽ sửa chữa nó càng sớm càng tốt. Chúng ta nói về việc đặt lại mọi thứ ra phía sau, tiếp tục bước về phía trước. Hiếm khi chúng ta dành cho mình thời gian để dựa vào nỗi đau, tìm hiểu những gì nó đang cho chúng ta thấy và cố gắng hành động theo điều đó.
Đau đớn là không thể tránh khỏi
Bản chất của cuộc sống là chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra ở khoảnh khắc tiếp theo là gì. Mọi thứ đều trong tình trạng thay đổi, cho dù chúng ta có cố gắng kìm giữ mọi thứ và sắp xếp chúng như thế nào đi nữa. Cơ thể chúng ta có thể bị đau ốm. Chúng ta già đi, bị bệnh và cuối cùng là chết. Con người thay đổi, mối quan hệ nảy nở rồi phai nhạt dần.
Hãy nhìn vào bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của bạn và xem cách nó liên tục chuyển động và thay đổi như thế nào. Nghĩ lại về những thay đổi đã xảy ra trong cộng đồng của bạn chỉ trong thời gian bạn sống ở đó. Quay trở lại xa hơn trong tâm trí của bạn - năm mươi năm, một trăm năm - những thay đổi nhỏ, những biến động lớn đang diễn ra mọi lúc.
Ở giữa tất cả những điều này, chúng ta bị tổn thương. Mất mát, thất vọng, trái tim tan vỡ, lo lắng và âu lo suy nghĩ đều là một phần của cuộc sống. Mặc dù chúng ta muốn được hạnh phúc và chúng ta không muốn cảm thấy đau đớn và đau khổ, nhưng sâu thẳm chúng ta biết điều đó là không thể tránh khỏi. Đau khổ là một phần của cuộc sống, tuy nhiên, chúng ta không muốn đau khổ nhiều và, điều đó xảy ra với tất cả mọi người.
Lời nhắc về việc thay đổi thói quen của tôi
Đây là cơ sở để thay đổi thói quen cố gắng tránh đau khổ của tôi. Tôi muốn nhớ rằng đau khổ chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống. Điều đó không phải là một âm mưu nhằm chống lại tôi; mọi người đều có vấn đề và lo lắng cả. Tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền theo khía cạnh đó.
Nếu tôi dành nhiều thời gian để lo lắng về việc làm thế nào một cái gì đó có thể sai hoặc một tình huống có thể trở nên tồi tệ hơn, thì rõ ràng là tôi đã làm cho mình không vui. Điều tôi lo lắng thậm chí có thể không xảy ra. Trong thực tế, tôi có thể lo lắng về một điều nào đó và trong khi ấy, một vấn đề không lường trước khác lại có thể xuất hiện.
Giống như nhiều người, tôi muốn cuộc sống của mình có một điều gì đó đáng kể. Tôi muốn nó có ý nghĩa và có mục đích. Thành thật mà nói, phần lớn những bài học sâu sắc nhất của tôi đều trải qua trong những lúc khó khăn, và lúc tôi phải vật lộn đấu tranh.
Khi cố gắng đương đầu với những thách thức, chúng ta có thể có động lực để cái nhìn thực sự sâu sắc vào bản thân. Chiến thuật tránh né của chúng ta không giúp đưa chúng ta đến đâu cả, vì vậy chúng ta buông bỏ và cố gắng hiểu những gì đang xảy ra. Khi chúng ta có thể làm điều này, đau khổ và đau đớn có thể là những người thầy vĩ đại nhất của chúng ta.
Khi chúng ta mệt mỏi và chán nản với tất cả, thì ít nhất chúng ta có thể cố gắng tìm một vị trí trong chính mình để chấp nhận. Thay vì khóc, và hỏi: "Tại sao lại là tôi?", chúng ta đơn giản chấp nhận rằng đây là những gì đang xảy ra ngay bây giờ và tất cả những gì chúng ta có thể làm là xoay sở làm việc với nó.
Cá nhân tôi thấy loại kiên nhẫn này rất khó, nhưng tôi là một thiền giả và vì vậy tôi có thể đặt một khoảng cách giữa một tình huống và phản ứng của tôi với nó. Khi làm được thì nó mang lại cảm giác vô cùng nhẹ nhõm. Nó có tính xây dựng tốt hơn là chiến đấu chống lại mọi thứ và cố gắng trốn tránh. Cuối cùng, có lẽ một trong những khía cạnh quý giá nhất của việc đối mặt với đau khổ là cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá mọi chuyện xảy ra với những người khác. Giống như chúng ta, họ cũng đau khổ như vậy.
Nếu tôi đang vật lộn để đi đến thỏa thuận với một người bạn đang ngày càng trở nên xa cách, thì rất có thể có hàng trăm, có lẽ hàng ngàn người khác cũng trải qua điều gì đó tương tự. Vì vậy, với sự chấp nhận và kiên nhẫn đến tăng cường lòng trắc ẩn, có thể trở thành một phần của việc nhận thức sâu sắc hơn của chúng ta.
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Người dịch: Trang ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments