top of page

LINH DƯƠNG – “ĐÔI KHI NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP VỠ VỤN ĐỂ NHỮNG THỨ TUYỆT VỜI HƠN CÓ THỂ ĐẾN VỚI NHAU”

“…Tôi còn nhớ là mình đã diện hẳn một bộ đồ jean cùng đôi bốt cao bồi tới những buổi phỏng vấn đầu tiên vì tôi cho rằng jean thật “truất” và hoàn toàn phù hợp trong những dịp đặc biệt như vậy…”


Hành trình của tôi phần nào đó cũng có nét tương đồng với hàng nghìn những cuộc hành trình khác trước đó, cũng là câu chuyện của một kẻ nhập cư phải thích nghi với cuộc sống xa xứ, luôn cố gắng tiến bước và tạo nên sự khác biệt. Và cũng giống như rất nhiều câu chuyện khác bạn từng nghe, câu chuyện của tôi đầy khó khăn và có cả những lúc tự nghi ngờ bản thân nữa. Bao nhiêu thất bại là bấy nhiêu thất vọng. Sau khi nghe đi nghe lại những câu chuyện được chia sẻ, tôi nhận ra có một công thức chung dẫn tới thành công, đó là sự chuẩn bị kĩ lưỡng và tính kiên định. Mấu chốt là mỗi người lại có cách chuẩn bị khác nhau. Ai cũng có câu chuyện riêng về sự thất bại, vấp ngã và đứng dậy bước tiếp. Và đây là câu chuyện của cá nhân tôi về cách chuẩn bị, cả những thất bại và cuối cùng là một kết quả viên mãn.


Tôi đã bắt đầu tìm việc trước khi bắt đầu học năm nhất. Tôi xem xét rất kĩ về môn Kinh tế chính trị vì đây là mảng bố mẹ có thể hỗ trợ cho tôi nếu tôi về Việt Nam. Theo lẽ thường, tôi nghĩ về môn Toán và biết rằng mình có thể học được. Tôi cũng muốn viết lách vì đó là điều tôi thích làm. Vấn đề lớn nhất là môn Thẩm định rủi ro (Actuarial Science). Từ hồi còn học cấp ba, tôi đã nghe về chuyên ngành này rồi. Tôi đã tham gia một cuộc thi nghiệp vụ và biết được triển vọng của nghề này rất tốt. Tuy nhiên, nếu không có thêm những yếu tố khác thì tôi chỉ là một ứng viên bình thường, một sinh viên tốt nghiệp ngành Toán/ Kinh tế, bản resume của tôi sẽ thật mờ nhạt và buồn tẻ mà thôi. Chính vì vậy, tôi quyết định là mình cần tìm hiểu tất cả các tiêu chí mà nhà tuyển dụng kiếm tìm.

Sau một khoảng thời gian chuẩn bị công phu, tôi có những thành tích nghe rất “khủng”: theo học 4 chuyên ngành, điểm trung bình môn hoàn hảo, hai kì thực tập tại hai công ty nổi tiếng ở Mỹ và vượt qua rất nhiều bài thi nghiệp vụ (cho những ai biết về chuyên ngành Thẩm định rủi ro, tôi đã đỗ hẳn 4 kì thì ngay khi mới bắt đầu năm học cuối ở trường đại học). Vậy mà vẫn còn một trở ngại lớn: tôi là dân nhập cư. Đến đây, tôi sẽ kể bạn nghe về những lần thất bại và bị từ chối tôi đã trải qua liên quan tới vấn đề này. Nhờ bản resume cực kì ấn tượng bấy lâu chuẩn bị, tôi đã nhận được vô vàn những lịch hẹn phỏng vấn. Nhưng thất vọng thay, phần lớn các nhà tuyển dụng lại không nhận sinh viên nước ngoài. Với một số khác thì do tính cách trẻ con của tôi không phù hợp với nhiều công ty yêu cầu cao về sự chuyên nghiệp.


Tôi còn nhớ là mình đã diện hẳn một bộ đồ jean cùng đôi bốt cao bồi tới phỏng vấn vì tôi cho rằng jean thật “truất” và hoàn toàn phù hợp trong những dịp đặc biệt như vậy. Đúng là ngớ ngẩn! Nhưng tất cả những gì tôi cần lúc ấy chỉ là có một công ty chọn tôi, và cuối cùng chỉ một công ty duy nhất nhận tôi vào thực tập trong suốt năm nhất đại học.

Tôi thấy rằng, sau tất cả những lần thử nghiệm cũng như những sai lầm đó, tôi tiến bộ hơn, học được nghệ thuật đi phỏng vấn và nhờ vậy, vào năm thứ hai, mọi nỗ lực của tôi đều đạt được kết quả dễ dàng hơn.


Nãy giờ lan man nhiều rồi, bây giờ tôi sẽ tóm tắt một vài điểm chính với hy vọng mang đến cho những ai đang quan tâm tới công cuộc chuẩn bị tìm việc ở Mỹ vì tôi nghĩ rằng bản thân mình đã là một ví dụ rõ ràng chứng minh sự chuẩn bị sẽ giúp bạn thắng một nửa trận chiến.


1. Hãy giúp đỡ chính mình và đi vào những lĩnh vực cầu nhiều hơn cung.

Điều này đơn giản như việc chọn một chuyên ngành đang bùng nổ tiềm năng phát triển và dễ có cơ hội thành công hơn. Tất nhiên, luôn có những kẻ ngoại lệ, những “siêu anh hùng” làm điều đó bất chấp sự kỳ quặc, nhưng nếu điều kì quặc ấy là gì khi chính bạn là người khác biệt?


Quan trọng hơn đó là tìm việc ở đâu. Bạn càng tìm kiếm nhiều nơi thì bạn càng có nhiều cơ hôi. Và nhớ nhé, mục đích chính của những nỗ lực này là có được một công ty lựa chọn mình. Theo kinh nghiệm của tôi, những công ty càng lớn thì cơ hôi càng nhiều và sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Tôi không tự tin là mình có thể cạnh tranh cơ hội việc làm ở New York với những ứng viên khác từ Ivy-league. Tôi cảm thấy tôi có cơ hội tốt hơn ở Minnesota.


2. Hãy tự tin và dám khác biệt.

Tôi không muốn thể hiện bản thân mình chỉ qua tờ đơn ứng tuyển, những con số vô vị hay trong hình ảnh một ứng viên tuyệt vọng. Vì thế, tôi đã mạo hiểm dùng lối viết sáng tạo trong thư xin việc của mình và nghĩ xem có bao nhiêu nhà tuyển dụng sẽ thực sự nhìn vào những lá thư xin việc đó. Kết quả là, hầu hết đã không đọc thư của tôi, nhiều người không thích nó trong khi có một số nói rằng họ rất thích ý tưởng này và mời tôi tới phỏng vấn. Hãy nhớ rằng, tất cả những gì mà một lá thư xin việc mang đến là một người thích bạn. Chỉ vậy là đủ!

3. Chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

Bất kể là dù bạn có cố gắng vất vả bao nhiêu thì vẫn có lúc may mắn không về phe bạn. Trong trường hợp đó, bạn cần có những phương án thay thế nếu những dự định ban đầu thất bại: ví dụ như theo học trường sau đại học, về nước tìm việc hay đi đâu đó để tìm kiếm cơ hội.


4. Hãy nhớ rằng đôi khi những điều tốt đẹp vỡ vụn để những thứ tuyệt vời hơn có thể đến với nhau.

Câu này nghe có vẻ hơi sáo rỗng nhưng khi ngẫm lại hành trình của mình, tôi nhận ra nó mới đúng làm sao! Không thể quên được cảm giác day dứt tột cùng khi tôi tuột mất học bổng ASEAN để được học tập tại Singapore. Nhưng nếu tôi là người được chọn thì hẳn tôi sẽ không có được vị trí ngày hôm nay. Rồi thì muôn vàn những lần bị từ chối trước khi tôi nhận được offer tốt nhất. Khi cuộc sống này đầy trắc trở và mọi thứ cứ rối tung lên không theo cách bạn kì vọng thì hãy nhớ rằng tất cả đều có nguyên do của nó và biết đâu điều mà bạn cho là xui xẻo bây giờ lại đang dẫn bạn tới một tương lai tốt đẹp hơn.

5. Cuối cùng, hãy làm tất cả những gì bạn có thể nhưng để lại một phần cho số phận dẫn lối nhé.

Tôi rất tâm đắc một châm ngôn (hình như là) của Tổng thống Thomas Jefferson “Tôi là một kẻ tôn sùng may mắn; tôi càng làm việc chăm chỉ thì có vẻ tôi sẽ dễ đạt được nó hơn.” Bởi vậy, hãy cố gắng hết mình nếu bạn mong muốn chinh phục được mục tiêu, nhưng cũng cần hiểu là đôi khi mọi thứ nằm ngoài kiểm soát của chúng ta. Với tôi, tôi thấy mình có đủ may mắn khi có những kế hoạch ứng phó. Tôi có thể không cần một công việc ở đây. Tôi cũng có thể yên ổn học sau đại học khoảng 5 năm hay về Việt Nam sống cùng với bố mẹ. Tôi cũng không cần phải giành được “tấm vé số” H-1B. Tôi có thể thử học thêm chuyên ngành STEM, và nếu lại không có được tấm vé số đó lần nữa, thì cũng chẳng sao cả, tôi vẫn sẽ ổn thôi. Tôi nghĩ rằng khi mình chấp nhận những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra thì bản thân cũng cảm thấy đỡ áp lực.


Những tình huống này hóa ra không quá tệ như bạn tưởng tượng đâu. Nhiều khi, bạn sẽ nhận ra, trong những câu chuyện thành công, một kết thúc có hậu chưa chắc đã là những gì bạn muốn. Rất nhiều lần tôi chỉ ước ao được trở về nhà, rời xa hết những căng thẳng cao độ trong công việc để dành thời gian quây quần bên gia đình.


Tôi là Linh Dương. Hiện đang làm chuyên viên tư vấn về mảng thẩm định rủi ro tại Deloitte khoảng 2 năm. Và trên đây là câu chuyện của tôi.


----------

Ghi chú cho bản dịch

(1) Grad school = graduate school: trường sau đại học

(2) STEM: viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học).

(3) H-1B: visa cho phép các doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh cho những lao động nước ngoài làm công việc chuyên môn đến Mỹ để làm việc.

(4) Deloitte được mọi người biết đến là một trong bốn công ty cùng với EY, KPMG và PwC cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới

(5) Ivy League: chỉ nhóm 8 trường đại học và viện đại học chất lượng hàng đầu của Mỹ.

(6) Actuarial Science: Ngành đinh phí bảo hiểm/ Thẩm định rủi ro chuyên nghiên cứu giải pháp quản trị rủi ro.

----------

Thông tin về bản dịch

Tình nguyện viên dịch: Trang Vũ

Bài đăng tại: compassion.vn

Bài gốc: https://howigotmyjobintheus.com/2015/07/29/linh-duong-sometimes-good-things-fall-apart-so-that-better-things-can-come-together/

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

留言

評等為 0(最高為 5 顆星)。
暫無評等

新增評等

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page