top of page
Ảnh của tác giảCecilia Tran

Liệu Có Một Ngày Nào Đó Chúng Ta Sẽ Bị Công Nghệ Thống Trị? Làm Sao Để Tránh Điều Đó?

Viết bởi Naomi Pham


"Ngay hôm nay, hãy biết ơn và nghĩ xem bạn đang giàu có như thế nào. Gia đình của bạn là vô giá. Sức khỏe của bạn là nguồn tài sản giá trị và thời gian của bạn là vàng bạc" - (Khuyết danh)


Ngày hôm kia tôi có đọc được cuốn tiểu thuyết khoa học của Ray Bradbury tên là "The Pedestrian" (tạm dịch: Người đi bộ). Cuốn tiểu thuyết viết về Leopard Mead, một người vốn thích đi bộ vào buổi tối và đang sống trong xã hội mà 'màn hình' đóng vai trò trung tâm, chi phối tất cả. Chính hành động thường nhật ấy lại đưa anh đến phòng chữa bệnh tâm thần vì không ai hiểu được tại sao anh lại hay đi bộ. Trong thành phố bị thống trị bởi truyền hình ấy, con người không đi bộ vì họ bận rộn dán mắt vào màn hình của mình.


Tôi tự hỏi rằng liệu có ngày nào đó công nghệ sẽ thống trị tất cả chúng ta, chúng ta sẽ trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ và những hoạt động không liên quan đến công nghệ sẽ bị xem là bất thường, kỳ lạ. Trong khi một hành động bình thường lại được xem như điên rồ.

Có thể xã hội bị thống trị bởi 'màn hình' không còn là giả tưởng mà đã hiện diện ngay lúc này. Rất nhiều người trong chúng ta không thể sống thiếu điện thoại, laptop, hay Ipad. Những thiết bị đó đóng vai trò mật thiết trong các hoạt động hàng ngày của chúng ta đến nỗi chúng ta sẽ thấy khó chịu nếu thiếu vắng chúng.



Chúng ta không chỉ sử dụng những thiết bị công nghệ đó cho việc tiêu thụ thông tin. Chúng ta đã để nó điều khiển cuộc sống của mình. Một trong những việc chúng ta làm đầu tiên trong buổi sáng là vớ lấy điện thoại để kiểm tra email, đọc tin tức và phản hồi tin nhắn. Chúng ta sử dụng laptop cho công việc hơn 8 tiếng một ngày. Vào ban đêm, chúng ta lại lướt web nhiều hơn qua điện thoại cho đến tận quá nửa đêm.

Tất cả cuộc sống của chúng ta đều dựa trên công nghệ. Chúng ta không thể chịu được việc mất đi những thiết bị điện tử. Công nghệ không chỉ còn là phương tiện giao tiếp mà còn là phương tiện sống. Chúng ta cần công nghệ cho công việc, thư giãn và giải trí.

Cái giá phải trả thật đáng báo động.


Cộng nghệ đã ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?


1. Công nghệ hủy hoại sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.

Hàng giờ làm việc trước màn hình khiến mắt chúng ta căng thẳng. Sự tiếp xúc quá mức với ánh sáng xanh dẫn đến mệt mỏi và gây mất ngủ. Đó là chưa kể đến áp lực mà lưng và cổ phải hứng chịu khi chúng ta ngồi quá lâu ở một tư thế.

Việc lướt web thường xuyên cũng khiến chúng ta dễ có tâm trạng không tốt và suy nghĩ tiêu cực. Không khó để lý giải điều này vì rõ ràng các tin tức tiêu cực đang ngập tràn trên mạng.


Chúng ta nghĩ rằng xem TV hay Youtube sẽ giúp cải thiện tâm trạng của mình, nhưng thực tế nó chỉ giúp chúng ta trốn tránh khỏi tâm trạng tiêu cực một cách tạm thời. Khi chúng ta ngừng xem, chúng ta lại quay trở lại trạng thái tiêu cực, và thậm chí còn cảm thấy chán chường hơn, bực tức hơn và buồn phiền hơn.


2. Công nghệ hủy hoại mối quan hệ của chúng ta.

Khi chúng ta dành nhiều thời gian lướt web cũng đồng nghĩa chúng ta dành ít thời gian lại cho những người chúng ta thương yêu. Thay vì chúng ta chơi với con, trò chuyện cùng con hay đưa con đi ăn kem, chúng ta lại hướng sự chú ý đến điện thoại và laptop. Phần lớn thời gian lướt web chúng ta chỉ làm những việc vô thức, không thật sự quan trọng như đọc tin tức giải trí vô bổ, lướt Facebook hay chat chit.


3. Công nghệ lấy đi thời gian của chúng ta.

Tuy thời gian chúng ta có có vẻ dư dả nhưng nó không vô hạn. Thời gian trôi qua rất nhanh như vận tốc của ánh sáng. Một ngày nào đó chúng ta sẽ nhìn lại và tự hỏi rằng thời gian đã trôi qua như thế nào.

Tất cả những khoảng thời gian quý giá đó lẽ ra chúng ta có thể dùng để tạo nên hay thưởng thức những điều tuyệt diệu của thế giới này, hoặc cống hiến cho nó, nhưng chúng ta lại lãng phí nó cho những lần lướt web vô thức.


4. Công nghệ khiến chúng ta bị choáng ngợp bởi thông tin.

Nếu như bạn nghĩ rằng việc chúng ta tiếp thu thông tin từ internet sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn và thông thái hơn, thì xin hãy suy nghĩ lại.

Nguồn thông tin dồi dào đôi khi đem lại kết quả tiêu cực hơn tích cực. Nhiều nội dung được viết ra hơn bao giờ hết. Chúng ta bị choáng ngợp và mơ hồ giữa một rừng thông tin. Thay vì lựa chọn một nguồn thông tin, chúng ta có thể lựa chọn quá nhiều nguồn và cuối cùng bị lạc lối.


Lấy việc viết blog là một ví dụ. Có rất nhiều nguồn hướng dẫn chúng ta cách viết blog. Nếu như chúng ta không hài lòng với nguồn này thì có thể chuyển sang nguồn khác. Nhưng nếu thử quá nhiều phương pháp cùng một lúc có thể khiến chúng ta thất bại.



5. Công nghệ khiến chúng ta trở nên lười suy nghĩ.

Thông tin luôn có sẵn khiến chúng ta không cần suy nghĩ vì chúng ta chỉ cần một cú click chuột là có câu trả lời mà mình cần. Và không chỉ có một câu trả lời mà rất nhiều câu trả lời sẽ hiện ra chỉ sau một cú click tìm kiếm.


Vậy, làm thế nào để giảm thiểu sự ảnh hưởng của công nghệ lên cuộc sống của chúng ta?

Bản thân tôi từng là con nghiện Internet. Tôi thích viết và dành phần lớn thời gian để viết trên điện thoại hoặc Ipad. Cuối cùng, tôi bị lạc giữa một rừng các bài viết online, blog và e-book trong hàng giờ liền. Khi đã mệt với việc viết và đọc online, tôi chuyển sang lướt web một cách vô thức - đọc tin tức vô bổ, xem liên tục các video trên Youtube, v.v. Đã từng có khoảng thời gian tôi chỉ thích ở nhà. Tôi không hiểu vì sao mình lại như vậy, chỉ biết rằng mình không thích gặp mặt bạn bè, chỉ thích làm việc và chơi một mình.


Phải mất một khoảng thời gian để tôi nhận ra tôi đang đánh mất phần lớn cuộc sống của mình. Mạng internet dù tốt đi chăng nữa nhưng không thể thay thế thế giới thật. Nếu như tôi dừng lướt internet lại chỉ trong một giây, tôi nhận ra mình có cả một thế giới để khám phá, những sở thích mới để học, những vùng đất thú vị để mình đi đến, và những người bạn tuyệt vời mà mình có thể chia sẻ niềm vui cùng.

Vì vậy tôi quyết định giảm đi phần lớn thời gian online của mình. Lúc đầu tuy có khó khăn, nhưng khi làm được rồi thì tôi lại tự hỏi tại sao mình lại mất một khoảng thời gian dài để làm được điều này. Tôi bắt đầu gặp gỡ bạn bè thường xuyên hơn, tham gia lớp yoga, đi bộ vào buổi chiều và nấu ăn cho gia đình. Và bỗng nhiên tôi cảm nhận được hạnh phúc sâu lắng trong những giây phút offline ấy.


Tôi cũng phải thừa nhận rằng trong khoảng thời gian cách ly vì dịch bệnh, tôi đã bắt đầu dùng các thiết bị điện tử nhiều lại, phần lớn cho công việc và kết nối với mọi người. Nhưng bây giờ tôi đã kiểm soát việc dùng internet của mình hơn và dùng nó một cách có ý thức hơn.

Bạn cũng có thể làm được. Dù cho bạn có nghiện công nghệ nặng như thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể cắt giảm nó nếu như bạn thật sự muốn.


Mấu chốt nằm ở ý thức. Liệu bạn sử dụng các thiết bị công nghệ có mục đích hay không chủ đích?

Theo kinh nghiệm của tôi, ngoài công việc và những lần giao tiếp có mục đích, phần lớn thời gian dùng công nghệ của chúng ta rơi vào nhóm sau. Các thiết bị điện tử như là thứ thay thế để chúng ta trốn tránh các cảm xúc tiêu cực. Chúng ta lướt Facebook khi chúng ta cảm thấy buồn chán. Chúng ta xem màn hình khi chúng ta cảm thấy phiền muộn. Và khi chúng ta căng thẳng, chúng ta lướt mạng để quên đi vấn đề hiện tại của mình.


Nhưng liệu nó có giúp chúng ta cải thiện tâm trạng của mình? Chắc chắn là có nhưng nó chỉ là tạm thời. Sau khi dùng xong, thật sự chúng ta còn cảm thấy tệ hơn. Sự chán chường, muộn phiền và căng thẳng nay còn được nhân lên thêm với mặc cảm tội lỗi và sự xấu hổ.

Vì vậy, hãy ý thức hơn về cảm xúc của mình và chăm sóc cho nó thật tốt. Bằng cách nào ư? Đừng dùng đến điện thoại và tivi khi bạn thấy không vui.


Thay vào đó bạn có thể tham gia vào các hoạt động nâng cao và nuôi dưỡng ý thức. Hãy hít thở sâu, đi bộ và ngắm nhìn thiên nhiên. Bạn cũng có thể tập thiền. Một trong những ứng dụng tập thiền hay ho mà gần đây tôi phát hiện ra là The Plum Village. Ứng dụng đó miễn phí 100% và có rất nhiều bài thực hành giúp bạn kết nối lại với cơ thể của mình.


Vậy thì chúng ta nên làm thế nào khi sử dụng công nghệ cho công việc và thư giãn? Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các thiết bị điện tử mà không bị chúng kiểm soát? Và một lần nữa, sự nhận thức chính là chìa khóa cho câu hỏi này.

Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn làm việc chú tâm và có ý thức hơn:


Chỉ nên làm một thứ trong một thời điểm

Đây chính là thói quen tốt mà tôi học được từ cuốn e-book rất hay và hoàn toàn miễn phí có tên là Focus (tạm dịch: Tập trung) của Babauta, tác giả của cuốn Zen Habits: Hãy bắt đầu ngày mới của bạn bằng việc viết ra ba công việc quan trọng nhất cần làm và thực hiện chúng tuần tự. Hãy dành nhiều thời gian cần thiết có thể cho mỗi công việc nhưng cố gắng đừng làm nhiều việc cùng một lúc (ví như bạn không thể vừa viết vừa kiểm tra email mỗi 15 phút). Nếu như bạn làm việc trên laptop, hãy đặt quy tắc là chỉ mở một đến hai trang khi làm việc. Nó sẽ giúp bạn tập trung và hoàn thành công việc nhanh hơn.


Quy định thời gian cho các công việc lặt vặt.

Các công việc lặt vặt ở đây bao gồm kiểm tra email, trả lời tin nhắn điện thoại, gọi điện thoại, đọc sách,... Thực tế là bạn không thể làm việc tốt trong khi vẫn làm các công việc lặt vặt đó. Bạn sẽ bị phân tán tư tưởng và cuối cùng mất nhiều thời gian hơn cần thiết mới hoàn thành công việc.

Hãy chia ra hai quá trình: làm việc chính và làm các công việc lặt vặt khác. Khi làm việc, hãy tập trung vào công việc của bạn và không dùng Facebook hay email. Kể cả việc đọc blog cũng không nên. Thay vào đó, hãy quy định thời gian cụ thể cho từng việc đó. Chẳng hạn bạn có thể kiểm tra email lúc 11 giờ sáng, lướt Facebook từ 4-5 giờ chiều sau khi đã xong việc.


Tắt các tin nhắn thông báo

Hãy chuyển laptop sang chế độ im lặng hay để điện thoại ở xa tầm nhìn. Bạn sẽ không bị xao lãng bởi những cuộc điện thoại hay tin nhắn.


Sử dụng phương pháp Pomodoro

Tập trung làm một việc trong 25 phút. Sau đó nghỉ 5 phút và tiếp tục cho đến khi bạn hoàn thành công việc.


Một vài gợi ý khác giúp bạn giảm thời gian sử dụng công nghệ:

  • Nếu như có những email rất lâu bạn vẫn không đọc thì hãy bỏ theo dõi (unsubscribe) nó và chỉ giữ lại những email cần thiết

  • Xem tivi ít hơn và hãy xem những bộ phim nhiều ý nghĩa. Hay dành thời gian thêm cho gia đình hoặc đọc một cuốn sách hay ho.

  • Giảm hoặc ngừng đọc tin tức trên điện thoại.

  • Làm thứ mà bạn đam mê. Nếu như bạn không có sở thích nào ngoài công việc thì hãy nuôi dưỡng một sở thích nào đó. Có thể là học ngoại ngữ, chơi nhạc cụ, nấu ăn hay đi bộ. Có rất nhiều thứ để bạn chọn nên hãy chọn một thứ và bắt đầu làm nó.

  • Gặp gỡ bạn bè.

  • Đi dạo ở nơi thiên nhiên.

  • Đọc sách giấy.

  • Thiền


Công nghệ không điều khiển cuộc sống của bạn. Bạn vẫn có thể dùng công nghệ mà không bị chi phối bởi nó. Chìa khóa nằm ở việc bạn sử dụng công nghệ có ý thức và chủ đích. Tuy điều này không dễ dàng nhưng hãy kiên nhẫn và làm từng bước một.


--------------------------------------

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://tinybuddha.com/blog/will-there-be-a-day-when-technology-takes-over-us-all/

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Cecilia Tran ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page