top of page
9ec88bc1-0a3b-4f77-9bfb-ad5954f3d827.png

Làm Thế Nào Để Trưởng Thành Về Cảm Xúc?

  • Writer: Compassio
    Compassio
  • Jul 12, 2019
  • 6 min read

Một cuốn sách mới được xuất bản đã đưa ra những lời khuyên cụ thể cho các bạn trẻ, những người muốn đạt được thành công mà không cần phải trải qua tổn thương về mặt tinh thần.



Là một sinh viên đại học, tôi đã dần thích nghi được với việc sống trong một cộng đồng mà muốn có được thành công thì bạn thường phải trả một cái giá khá đắt. Từ những nỗi lo lắng không điểm dừng trong học tập và căng thẳng trong công việc, cho đến những nỗi bất an lớn hơn xung quanh giá trị bản thânđịnh hướng của chúng ta, dường như có những phiền muộn chưa có lời giải mà giới trẻ xem như là "chuyện bình thường" này sẽ kéo dài bất tận.


Vấn đề này có lẽ rất khó để nhận biết được - nếu không vì số lượng các bạn trẻ cảm thấy căng thẳng và bất ổn đang ngày càng tăng lên. Nhà tâm lý học lâm sàng Lara Fielding đã đề cập đến xu hướng này trong cuốn sách mới của cô, Làm chủ tuổi trưởng thành: Làm Cách Nào Để Trở Thành Một Người Trưởng Thành Về Mặt Cảm Xúc (Mastering Adulthood: Go Beyond Adulting to Become an Emotional Grown-Up). Cô ấy hiểu những gì mà chúng ta đang phải đấu tranh, và cô ấy nhận nhiệm vụ cung cấp cho chúng ta những công cụ để chấp nhận cảm xúc của bản thân, để ta học cách kiểm soát chúng, và cuối cùng trở thành một người trưởng thành tự chủ và khỏe mạnh.


Cuốn sách của Fielding đưa ra một đoạn giới thiệu về việc hiểu bản thân chúng ta như một cá thể giàu cảm xúc và tinh thần. Cô ấy viết - chúng ta được tạo nên từ những thói quen, điều đó có nghĩa là chúng ta phản ứng với môi trường xung quanh thông qua nhiều cách nhất định, và không phải lúc nào cũng có ý thức. Những thói quen có thể giúp giảm thiểu sự không thoải mái trong những tình huống quen thuộc, bằng cách (ví dụ như) giải tỏa căng thẳng hoặc giúp ta xoay chuyển những tình huống xã hội. Vậy nên, chúng ta có thể xem TV, tiệc tùng, hay làm vài ly như một cách để giải toả sau một ngày làm việc hay học tập đầy mệt mỏi. Nhưng khi chúng ta trưởng thành và bước vào những vai trò mới, những môi trường mới, thì những thói quen này không còn giúp ích nhiều nữa và thậm chí còn gây trở ngại cho quá trình phát triển bản thân của chúng ta.


Fielding phân loại con người ra thành hai nhóm - "nhóm quý tộc (castle-dwellers)" và "nhóm dân thường (village-dwellers)" - dựa trên những thói quen điều tiết cảm xúc điển hình của họ. Nhóm đầu có xu hướng cô lập bản thân để tự vệ, bằng cách che giấu sự yếu đuối của mình với người khác, trong khi nhóm thứ hai có xu hướng luôn kết nối với người khác và trải nghiệm các cảm xúc một cách mãnh liệt.


Việc quá phụ thuộc theo chiều hướng cực đoan của một trong hai nhóm trên đều gây nguy hiểm với khả năng tự nhận thức và khả năng ra quyết định sáng suốt của chúng ta. "Nhóm quý tộc" có thể cảm nhận những cảm xúc, nhu cầu, và khao khát của họ khó khăn hơn, dẫn tới những thói quen như mất khả năng tự phê bình, không thể đưa ra đề nghị để được giúp đỡ, và có khuynh hướng kiểm soát người khác. Trong khi đó, độ nhạy cảm cao trong "nhóm dân thường" có thể dẫn đến khó khăn trong việc đối mặt với những tình huống căng thẳng và cân bằng lại cảm xúc của họ trong các mối quan hệ.





Như Fielding có thể chứng minh từ thực hành lâm sàng, những người đang trưởng thành có thể cải thiện niềm vui sống của mình bằng thời gian và sự kiên nhẫn. Xuyên suốt cuốn sách, Fielding đưa ra một vài bài tập viết ghi chép (journaling exercises)luyện tập phản chiếu bản thân (reflection practices) nhằm truyền đạt các kỹ năng thực tế về sự tự nhận thức - một trong những bí quyết để trở thành một người trưởng thành khỏe mạnh.


Chẳng hạn như, cô ấy gợi ý rằng, khi chúng ta đau buồn vì một vấn đề nào đó trong cuộc sống, chúng ta làm một bài tập viết nhanh vạch ra :

  • Việc gì đã thật sự xảy ra, hay thực trạng của tình huống - chúng ta đã nhìn thấy điều gì, đã nghe được gì...

  • Những suy nghĩ đã khuấy động bên trong chúng ta, hoặc diễn giải của chúng ta về các sự kiện đó

  • Những cảm xúc mà chúng ta đã ngay lập tức cảm thấy

  • Những cảm giác về cơ thể mà chúng ta đã cảm nhận

  • Hành động nào xảy ra ngay lập tức khi chúng ta phản ứng

Bài tập tưởng chừng đơn giản này có thể giúp chúng ta nhìn nhận rõ vì sao chúng ta lại phản ứng với các sự kiện diễn ra trong cuộc sống của mình theo cách như vậy và chỉ ra những điều đang cản trở để chúng ta bắt đầu thay đổi cách phản ứng của mình.


Làm chủ tuổi trưởng thành (Mastering Adulthood) chứa đựng vô vàn các lời khuyên sử dụng tạm thời để đối phó với những lúc có quá nhiều cảm xúc, cũng như những bài thực hành dài hạn để xây dựng khả năng phục hồi. Những lời khuyên này kéo dài từ các bài thực hành đơn giản như tập trung hít thở, cho phép bản thân đối mặt với những thứ làm ta không thoải mái thay vì rũ bỏ chúng, cho đến luyện tập thấu cảm định hình lại những phán xét bốc đồng về bản thân chúng ta.



Cuốn sách còn chuyển từ một cá nhân sang mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, đặt ra câu hỏi chúng ta có thể áp dụng khả năng tự làm chủ bản thân mới được phát hiện này như thế nào trong việc giao tiếp với người khác. Fielding đưa ra vài lời khuyên đơn giản cho việc quyết định khi nào thì chúng ta nên ưu tiên cho những mong muốn và nhu cầu về sự thoải mái của bản thân, và khi nào thì nên quên đi chúng để ưu tiên các mối quan hệ của chúng ta. Đầu tiên và quan trọng nhất, cô ấy gợi ý chúng ta làm rõ nhu cầu của bản thân, gắn kết cụ thể chúng với những mối quan tâm của ta, và bày tỏ lòng biết ơn chân thật - một bài thực hành rất bổ ích trong việc xây dựng các mối quan hệ bền vững.


Có vẻ như Fielding đang chỉ ra rằng đó là điều hiển nhiên trong việc xác định những hành vi có vấn đề và cách để giải quyết chúng. Nhưng đây thực ra là một sự khẳng định: Khi Fielding hiểu rõ những thói quen và các khuynh hướng hành động đã ăn sâu vào mỗi chúng ta đôi khi lại là những thứ khó nắm bắt và điều chỉnh nhất. Ngay cả đối với những người đã trưởng thành hoàn toàn, đôi khi chúng ta vẫn cần được nhắc nhở về việc những phản ứng của mình với thế giới có thể bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nhiều yếu tố, cả thể chất (như chế độ ăn uống, chất lượng giấc ngủ, và mức độ vận động) lẫn môi trường sống (chúng ta giao tiếp với ai và trong hoàn cảnh nào).


Sau khi cung cấp những công cụ cho việc tự nhận thức, Fielding chứng minh cách chúng ta cân bằng giữa kỷ luật cá nhân (self-discipline) tự trắc ẩn với bản thân (self-compassion) như thế nào (bằng sự chú tâm và không phán xét về bản thân) để đạt được những giá trị cá nhân (personal values). Có một nghịch lý là khả năng bước tiếp về phía trước trong cuộc sống của chúng ta lại phụ thuộc vào sự sẵn sàng đón nhận các sự thật không mấy dễ chịu nhiều hơn là việc cố ý dồn sức cho việc tự điều chỉnh, phủ nhận sự thật, những giới hạn của bản thân, và thực tế giàu cảm xúc của mình.


Đối với Fielding, sự trưởng thành về cơ bản bao gồm tính khiêm tốn: Chúng ta không thể phủ nhận cảm xúc của mình, cũng như không cần hoàn toàn tin vào mọi suy nghĩ của bản thân. Hành trình từ việc bị động đến tự chủ bản thân (self-mastery) liên quan đến việc nhận thức được vị trí của mình một cách nghiêm túc và bước từng bước về phía mục tiêu mình, kể cả điều đó có đem lại sự khó chịu nhất thời. Cho dù mục tiêu có là hoàn thành việc học Đại học, làm việc thật chuyên nghiệp, hay quản lý các mối quan hệ của mình, thì đây đều là những kỹ năng chúng ta có thể mang theo và hoàn thiện trong suốt quãng đời còn lại của mình.


 

Người dịch: Hồng Hạnh Người biên tập: Trang

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

 
 
 

Comentários


bottom of page