Đôi khi một hoặc hai trải nghiệm đáng sợ có thể khiến chúng ta vô duyên vô cớ sợ những thứ mà chúng ta không cần phải sợ, một số nỗi sợ không dựa trên kinh nghiệm ban đầu nào cả.
Lưu ý: Các hướng dẫn sau đây hướng đến việc giải quyết những nỗi sợ bình thường hàng ngày. Những sợ hãi liên quan đến các bệnh tâm thần nghiêm trọng như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lo âu xã hội nên được giải quyết với sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm lý.
Dù bằng cách nào, việc vượt qua những nỗi sợ hãi này thường đòi hỏi chúng ta phải phát triển một mối liên kết tích cực hơn — hoặc ít nhất là ít tiêu cực hơn — với điều mà chúng ta sợ. Sau đây là cách thức vượt qua nỗi sợ hãi:
Bắt đầu với hành động nhỏ. Bước đầu tiên là để cho bản thân tiếp xúc với hoạt động gây sợ hãi ở mức độ thấp trong bối cảnh an toàn. Ví dụ: nếu việc nói trước công chúng khiến bạn lo lắng, bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm kiếm một cơ hội phát biểu ít áp lực trước một nhóm nhỏ khán giả ủng hộ bạn, trong một môi trường mà bạn không phải lo lắng về việc nói sao cho tuyệt đối rành mạch chính xác — chẳng hạn như nói lời chúc mừng ở tiệc sinh nhật của một người bạn. Hoặc nếu bạn muốn học leo núi nhưng sợ độ cao, bạn có thể bắt đầu bằng cách dành thời gian quan sát và hỗ trợ những người leo núi khác.
Lặp lại hành động cho đến khi bạn bắt đầu cảm thấy nỗi sợ tan biến dần. Theo thời gian, việc tiếp xúc nhiều lần với điều khiến bạn sợ hãi ở mức độ an toàn, không gây hại có thể làm giảm mối liên hệ tiêu cực và thay thế nó bằng mối liên hệ trung lập hoặc tích cực. Ví dụ, liên tục thấy người khác leo lên mà không ngã có thể bắt đầu thay thế mối liên hệ tiêu cực của bạn với độ cao. Và bạn càng bay và hạ cánh an toàn, thì bạn càng cảm thấy ít nguy hiểm khi bay.
Dần dần tăng độ thử thách. Sau khi bạn bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn với liều lượng nhỏ, hãy thử tăng lên một mức độ mới. Ví dụ, bạn có thể đi từ việc chỉ xem người khác leo đến tự mình leo lên một quãng ngắn. Hoặc bạn có thể xung phong trình bày kết quả của một dự án nhóm trước các đồng nghiệp hoặc bạn học. Từ đây, bạn có thể tiếp tục tăng dần thách thức cho đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình, cho dù đó là leo núi Everest, nói chuyện trước hàng trăm người, hoặc bay đến một lục địa mới.
Nỗi sợ hãi của bạn có thể không bao giờ được dập tắt hoàn toàn, nhưng hy vọng nó sẽ bớt lấn áp sức mạnh của bạn và không ngăn bạn đạt được những mục tiêu quan trọng và tận hưởng cuộc sống của bạn.
Theo như lời của Mark Twain: "Can đảm không phải là không còn sợ hãi. Mà đó là vẫn hành động bất chấp nỗi sợ hãi."
Thông Tin Về Bài Đăng: Nguồn bài đăng: https://ggia.berkeley.edu/practice/overcoming_a_fear
Người dịch: Anh Đào Lê
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing
Opmerkingen