top of page

Hội chứng Peter Pan: Khi những người lớn từ chối trưởng thành

Đã cập nhật: 21 thg 9, 2019

Trong tác phẩm Peter Pan (1), nhân vật chính cùng tên sống ở một vùng đất thần thoại được gọi là Never-Never Land, nơi mà những đứa trẻ ở đó không bao giờ lớn. Những người mắc hội chứng Peter Pan mặc dù có thể và thật sự trở thành người lớn, họ vẫn ngoan cố không chịu gánh vác các trách nhiệm của một người trưởng thành và không muốn tiếp nhận các chuẩn mực xã hội gắn liền với việc lớn lên.


Hội chứng Peter Pan, đôi khi được gọi là sự thất bại trong việc bước vào đời, không phải là một dạng bệnh có thể nhận biết được bằng các thăm khám lâm sàng. Thật ra, hội chứng này có thể xuất hiện ở nhiều dạng người và triệu chứng, từ người phụ nữ 40 tuổi lựa chọn sống với mẹ thay vì làm việc, cho đến người đàn ông 30 tuổi dù không hỗ trợ gì nhiều cho đối tác mà vẫn cứ có con.

Liệu pháp tâm lý có thể giúp những ai cảm thấy không thoải mái với việc trưởng thành hiểu được gốc rễ của những khó khăn mà họ có. Nếu chăm chỉ và nỗ lực, họ có thể chuyển tiếp sang một đời sống trưởng thành hạnh phúc và có thể tạo dựng được những mối quan hệ lâu dài.



HỘI CHỨNG PETER PAN LÀ GÌ


Nhà tâm lý học Dan Kiley đặt ra thuật ngữ “hội chứng Peter Pan” trong quyển sách xuất bản năm 1983 của ông, Hội chứng Peter Pan: Những người không bao giờ lớn. Kiley đã làm việc với những cậu bé vị thành niên gặp khó khăn. Ông phát hiện ra rằng nhiều cậu bé đã lớn lên thành những người đàn ông phải vật lộn để chấp nhận những trách nhiệm của việc trưởng thành.


Hội chứng Peter Pan có thể bao gồm một vài đặc điểm sau đây:

  • Thường xuyên thất nghiệp hoặc chỉ làm việc bán thời gian, làm việc dưới khả năng (2). Một người lẽ ra có năng lực nhưng lại từ chối đi tìm việc. Họ có thể liên tục bị sa thải do hay vắng mặt hoặc do cách cư xử kém.

  • Không góp phần chăm lo cho gia đình. Một người có thể kết hôn và có con, nhưng lại dành hầu hết thời gian của bản thân để chơi trò chơi điện tử trong khi người vợ hoặc chồng của họ phải đi làm, lau dọn, và săn sóc con cái.

  • Dựa dẫm vào một ai đó về các nghĩa vụ tài chính. Một người mắc hội chứng Peter Pan có thể cần được những người khác giúp đỡ vể vấn đề tiền bạc (mà không có đóng góp gì có giá trị để đáp lại như là phụ giúp chăm sóc trẻ con)

  • Thiếu năng lực để vào đời. Một người có thể chỉ ở nhà với cha mẹ thay vì tìm các cơ hội để kiếm tiền, xin việc, hoặc sống riêng tự lập.

Kiley khẳng định sự khước từ việc trưởng thành chủ yếu là vấn đề của nam giới. Ông cũng tin rằng phụ nữ - những người lo cho người đàn ông của họ như mẹ lo cho con – một kiểu phức cảm mà ông đặt tên là “nan đề Wendy” (3) – có thể khiến cho những người đàn ông này tiếp tục tránh né các trách nhiệm của một người lớn. Trong khi cả phụ nữ và đàn ông đều có thể từ chối việc trưởng thành, hầu hết tài liệu về hội chứng Peter Pan vẫn tiếp tục tập trung vào phái nam.



ĐIỀU GÌ GÂY NÊN HỘI CHỨNG PETER PAN


Hội chứng Peter Pan không phải là chứng bệnh có thể chẩn đoán được bằng các phương pháp lâm sàng, và nó là một hội chứng mới được định danh gần đây. Vì những lý do đó, có ít nghiên cứu tìm hiểu vể hiện tượng này. Một vài nhân yếu tố có thể có vai trò trong hội chứng Peter Pan đó là:

  • Vai trò của giới tính: Phụ nữ thường bị xã hội mặc định là người đảm nhận các trách nhiệm gia đình, là người làm vui lòng người khác, và là người chăm sóc con cái. Việc này sẽ dễ khiến cho người đàn ông của họ bỏ bê các nhiệm vụ này và né tránh việc trưởng thành.

  • Sự lo lắng: Làm người lớn có thể rất thử thách. Việc lo lắng về khả năng kiếm được việc làm, lo kiếm tiền sinh sống hoặc đạt được các thành tựu khác là rất bình thường. Nên khi có một lối thoát để trốn tránh các nghĩa vụ đó – như một người phối ngẫu có trách nhiệm hay bậc cha mẹ người vẫn làm hộ cho các công việc hằng ngày – một vài người có thể sẽ không chịu lớn lên.

  • Sự cô đơn: Nhà tâm lý hoc Humbelina Robles Ortega cho rằng những ai mắc hội chứng Peter Pan có thể sẽ sợ cô đơn. Do đó, họ sẽ liên tục tìm kiếm những người có thể chăm sóc cho họ - mà thường sẽ là những đối tác có mối liên hệ về tình cảm.

  • Nỗi sợ sự cam kết: Người mắc hội chứng Peter Pan thường có một mẫu các mối quan hệ bất ổn. Họ có thể hình thành mối quan hệ với những đối tác có độ tuổi trẻ dần, những đối tác mà họ đoán là sẽ ít cần các kế hoạch cho tương lai và ít có nhu cầu được chăm sóc đầu tư.

  • Cha mẹ trực thăng (4): Ortega nói rằng những bậc phụ huynh bảo bọc con quá mức có thể làm cho đứa trẻ phụ thuộc quá nhiều. Những đứa trẻ này có thể sẽ không thể phát triển những kĩ năng cơ bản để làm người lớn, và khiến chúng hình thành hội chứng Peter Pan.

  • Các triệu chứng sức khỏe tâm thần: Một vài nghiên cứu cho rằng những người mắc hội chứng Peter Pan có thể có các rối loạn về tính cách. Ví dụ như một nghiên cứu vào năm 1982 đã lập luận rằng người mắc hội chứng Peter Pan thường là một phần trong một hệ thống gia đình phức tạp, mà trong đó đối tác nam có tính ái kỷ còn đối tác nữ thì bị trầm cảm.

Việc có những sở thích kiểu trẻ con – như búp bê hay truyện tranh – không gây ra hội chứng Peter Pan. Thay vào đó, hội chứng này là về sự khước từ gách vác trách nhiệm và tạo dựng mối quan hệ tương hỗ.


Ý NGHĨA CỦA TRƯỞNG THÀNH TRONG CÁC BỐI CẢNH VĂN HÓA


Ý nghĩa của việc làm người lớn và trưởng thành có sự khác biệt lớn qua các nền văn hóa. Trong một vài nền văn hóa, người ta sống với gia đình cả đời và thể hiện sự trưởng thành thông qua việc kết hôn và sinh con. Ở những nơi khác, biểu hiện của trưởng thành lại là khả năng tự lập và tách rời khỏi cha mẹ. Và những nền văn hóa khác nữa lại cho rằng sống độc lập với cha mẹ là dấu hiệu của việc bỏ bê nghĩa vụ đối với gia đình. Nói cách khác, biểu hiện của hội chứng này không nhất thiết phải là bất kỳ một triệu chứng đơn lẻ nào, mà đó là sự thất bại trong việc tiếp nhận các chuẩn mực chung của tuổi trưởng thành.

Một vài người trẻ có biểu hiện của hội chứng Peter Pan có thể đơn giản chỉ là họ cần nhiều thời gian hơn để lớn lên vì những ảnh hưởng nằm ngoài sự kiểm soát của họ.

Người ta cho rằng, sự bất lực trong việc rời khỏi nhà hoặc tìm một đối tác hôn nhân không phải lúc nào cũng chứng tỏ là ai đó đang mắc hội chứng Peter Pan. Một người bị suy giảm chức năng vận động nghiêm trọng có thể cần sự giúp đỡ từ người chăm sóc để có thể làm được những việc hằng ngày. Nhưng sẽ không phù hợp nếu áp dụng mức độ trợ giúp tương tự cho những người không hề bị khuyết tật về vật lý (ND).


Các yếu tố kinh tế và xã hội phức tạp cũng có thể trì hoãn khi một cá nhân đạt đến vài cột mốc nhất định. Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra rằng thanh niên Mỹ trở nên độc lập tài chính ở độ tuổi ngày càng muộn hơn so với các thế hệ trước. Điều này một phần là do văn hóa nhảy việc trong thị trường lao động, chi phí giáo dục tăng cao, giá thuê nhà tăng, và nhiều yếu tố khác. Sự lệ thuộc về tài chính có thể ảnh hưởng ngược lại các dự định quan trọng khác như là việc tìm đối tượng kết hôn.


Một vài người trẻ có biểu hiện của hội chứng Peter Pan có thể đơn giản chỉ là họ cần nhiều thời gian hơn để lớn lên vì những tác động nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Chỉ mỗi yếu tố tình trạng tài chính sẽ không xác định sự trưởng thành của một con người. Mà hơn thế nữa, trưởng thành được thể hiện qua sự sẵn sàng của một người để lao động hướng tới các mục tiêu và chịu trách nhiệm về những hành động của mình.


LIỆU PHÁP TÂM LÝ CHO HỘI CHỨNG PETER PAN


Trong nhiều trường hợp, một cá nhân không thể trưởng thành sẽ gây hại cho những người xung quanh họ. Đối tác của cá nhân đó có thể sẽ cảm thấy choáng ngợp và kiệt sức vì phải gách vác mọi trách nhiệm gia đình. Phụ huynh của người đó có thể sẽ phải dùng đến tiền tiết kiệm hưu trí của bản thân để tiếp tục cung cấp các hỗ trợ về vật chất.


Những cá nhân mắc hội chứng Peter Pan có thể sẽ không thấy các biểu hiện của bản thân là có vấn đề nghiêm trọng. Nhiều người chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ mất nguồn hỗ trợ hoặc khi các triệu chứng đó gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ. Những người phải vất vả với hội chứng Peter Pan của người thân nên biết rằng, bằng cách đặt ra những giới hạn rõ ràng sẽ khiến người đó phải bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ, từ đó giúp họ nhận thức được vấn đề (ND).


Trị liệu trong gia đình hoặc tư vấn tâm lý cho cặp đôi có thể giúp tất cả các thành viên hiểu được động lực hiện tại của họ. Trong trị liệu, họ có thể thêm vào các đóng góp của riêng mình và cố gắng để các mối quan hệ trở nên lành mạnh hơn, cân bằng hơn.


Trong tư vấn tâm lý cá nhân, một nhà trị liệu có thể giúp một người hiểu được sự ngần ngại của họ đối với việc trưởng thành, khắc phục các yếu tố ẩn bên trong như chấn thương tâm lý, và có thể lập một kế hoạch để chuyển tiếp sang tuổi trưởng thành. Việc kiếm một việc làm, tạo lập một mối quan hệ, và trở nên tự lập có vẻ như là những nhiệm vụ phi thường. Một người tư vấn tâm lý phù hợp có thể sẽ chia nhỏ các nhiệm vụ này thành những bước có thể xoay xở để thực hiện được, nhằm giúp một cá nhân cải thiện cuộc sống của họ một cách bền vững.


Chú thích (của người dịch - ND):

(1) Peter Pan, hay the Boy Who Wouldn’t Grow Up, hay Peter and Wendy là một tác phẩm nổi tiếng của J.M.Barries (Sir James Matthew Barrie), 1860-1937, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Scotland. Trong đó nhân vật Peter Pan đã được biết đến rộng rãi qua nhiều tác phẩm phim điện ảnh, hoạt hình, kịch sân khấu hay chương trình truyền hình v.v…

(2) “Thất nghiệp trá hình” hay “hiện tượng khiếm dụng lao động” là một dạng thất nghiệp chỉ những lao động làm các công việc bán thời gian, công việc thời vụ, hay các công việc dưới năng lực chuyên môn.

(3) “Wendy dilemma” hay “Wendy syndrome”, là thuật ngữ do nhà tâm lý học Dan Kiley sử dụng để mô tả những người phụ nữ chăm sóc và đối xử với chồng như “mẹ” của chồng, những người phụ nữ có khuynh hướng đảm trách cả vai trò của người cha trong gia đình bên cạnh trách nhiệm làm mẹ hay làm vợ.

(4) "Cha mẹ trực thăng" là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những bậc cha mẹ bảo bọc con quá mức. Những bậc cha mẹ này cứ "bay vòng quanh" và ngay lập tức can thiệp để giải quyết mọi việc cho đứa trẻ.


Tài liệu tham khảo bài viết gốc:

1. Arnett, J. J., & Galambos, N. L. (2003). Culture and conceptions of adulthood. New Directions for Child and Adolescent Development, 100, 91-98. Retrieved from https://pdfs.semanticscholar.org/1dd8/8dfff10bb9d61fdfa5aef2997a6c7fabbbe8.pdf

2. Carnevale, A. P., Hanson, A. R., & Gulish, A. (2013). Failure to launch: Structural shift and the new lost generation. Retrieved from https://eric.ed.gov/?id=ED558185

3. Overprotecting parents can lead children to develop ‘Peter Pan Syndrome’. (2007, May 03). ScienceDaily. Retrieved from https://www.sciencedaily.com/releases/2007/05/070501112023.htm

4. Quadrio, C. (1982). The Peter Pan and Wendy syndrome: A marital dynamic. Australian & New Zealand Journal of Psychiatry, 16(2), 23-28. Retrieved from https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.3109/00048678209161187?journalCode=ianp20

5. Thomas, R. M., Jr. (1996, February 27). Dan Kiley, 54, dies; wrote ‘Peter Pan syndrome’. New York Times. Retrieved from https://www.nytimes.com/1996/02/27/us/dan-kiley-54-dies-wrote-peter-pan-syndrome.html

 

Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng Dịch và biên tập theo hình thức Crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page