top of page

DAO LE – HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGÀNH NGÂN HÀNG

Phần tổng quan

Dưới đây là bản tóm lược chuyến hành trình tìm kiếm công việc trên đất Hoa Kỳ của tôi trong 2 năm vừa qua. Nếu tôi biết được cơ hội để tìm được việc làm ấy chỉ khoảng chừng 0.9%, tôi sẽ từ bỏ ngay cả trước khi bắt đầu. Nhưng cuộc đời thì đâu diễn ra như vậy – chúng ta chỉ có thể hiểu được những chuyện đã qua, dù cuộc sống cứ luôn mãi tiến về phía trước. Lúc đấy (khi tôi gửi đi bản CV đầu tiên đến nhà tuyển dụng), tôi vẫn một mực phải sống tiến về phía trước, còn bây giờ (khi tôi bắt đầu công việc fulltime đầu tiên của mình), tôi lại phải quay trở lại quá khứ, cố gắng hết mình để thấu hiểu mọi chuyện đã qua. 

Đó là vào năm ba đại học, tôi quyết định tìm kiếm một công việc trên phố Wall. Không, ấy không phải là vì tôi ưa thích mạo hiểm hay là muốn kiếm bộn tiền gì đâu. Ngược lại mới phải, tôi làm thế bởi tôi là đứa rất ghét rủi ro và thật sự cảm thấy khiếp sợ khi nghĩ đến những việc phải làm tiếp theo. May mắn thay, chương trình học trong ba năm (1) giúp tôi khỏi phải đưa ra những quyết định khó khăn cho phần đời còn lại của mình – một giải pháp tuyệt vời cho việc gia hạn thời gian ở đại học. Tất nhiên là vẫn có những nỗ lực học tập không ngừng, những con người tài trí luôn quyết tiến về phía trước, cùng những kỹ năng tài chính hóc búa v.v… nhưng mấu chốt thật sự ở đây là: mặc cho những đức tin hay cái tôi căn bản của cá nhân tôi là gì đi chăng nữa, tôi đã đặt ra một mục tiêu cụ thể cho bản thân. Chính nhờ tính rõ ràng của mục tiêu ấy, tôi mới có thể vượt qua khoảng thời gian đen tối nhất khi tôi tự ngờ vực chính mình. Quả thật rất khó khi cứ mãi tiếp tục kiên trì, nhưng còn khó hơn nữa nếu như bạn không biết lý do tại sao bạn lại cần phải kiên trì đến thế. 

Vào thời điểm đó, tôi thật sự đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tuyển dụng. Khi bạn bè cùng trang lứa đều đã có tận 3 công việc thực tập trong ngành tài chính và đang theo học phân tích đầu tư tài chính (CFA), thì tôi đây lại dành cả mùa hè năm hai đại học nằm dài trên những chiếc đi-văng ở nhà người lạ và vác ba lô đi khắp châu Âu. Bản thân là một người ủng hộ thuyết yếm thế (2), tôi thấy hứng thú với những tranh luận về “nguyên nhân đầu tiên” (First Cause) của Aquinas (3) hơn là mô hình chiết khấu dòng tiền. Đồng thời, việc xuất thân từ một trường không được chú ý mấy (4) cũng chẳng giúp được gì (ví như việc không có lấy một cuộc tuyển dụng ở trường nào, từ những ngân hàng lớn). Những lợi thế khi tìm kiếm một công việc đang khiến tôi gục ngã. Có người bảo rằng tôi thật chẳng có chút cơ hội nào để chen chân vào cái ngành công nghiệp đầy tính cạnh tranh khốc liệt thế này. Vâng, có lẽ anh ta đã đúng (0.9% thì gần như là con số 0, phải vậy không?) nhưng khi đó tôi không hề nao núng mỗi khi nghĩ đến những khó khăn có thể đến. Thế nhưng, thử một lần thì có mất mát gì đâu…

Tôi đã sai rồi, việc đó khó chết đi được. Chỉ có một mục tiêu rõ ràng thôi thì vẫn chưa đủ: một người sẽ không thể đạt đến thành công nếu chỉ dựa vào việc thành công là mục tiêu mà anh ta hướng tới. Sau khi mất vài tháng ứng tuyển online một cách ngẫu nhiên, và tất nhiên cũng chẳng ăn thua gì, tôi đã rút ra được bài học thứ hai: một kế hoạch hành động cụ thể là điều kiện bắt buộc. Trong trường hợp của riêng tôi, tôi nhận ra hai yếu tố quan trọng nhất trong việc tuyển chọn nhân lực là: 1. Tạo dựng các mối quan hệ, 2. Chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn và mỗi yếu tố tương xứng với một cuộc kiểm tra cực kỳ sát sao.

1. Tạo dựng mối quan hệ Dễ thôi mà, việc kết nối với mọi người là một điều tối cần thiết, đặc biệt là đối với một ứng viên tự do như tôi đây. Một lần nữa, chúng ta hãy cùng nhắc lại tính rõ ràng của mục tiêu một chút, ở đây, mục tiêu của việc xây dựng các mối quan hệ chính là để phát triển các mối quan hệ cá nhân mà trong đó, đôi bên cùng có lợi. Tôi thiết nghĩ rằng nhiều người hiện nay đang thực hiện điều này với một nguyên do sai lầm: Để phục vụ ý muốn cá nhân của họ. Bản thân tôi cũng vậy, thật giả tạo khi nói rằng tôi không có bất kỳ một mong muốn nào cho cá nhân tôi cả - rõ ràng ý muốn của tôi là được có tên trong danh sách tuyển chọn cho buổi phỏng vấn cơ mà - nhưng sự thật là tôi không chỉ đơn thuần kết nối với mọi người vì những lợi ích dành  riêng cho mình. Tôi đánh giá chất lượng của một cuộc gọi kết nối (networking call) bằng giá trị của những câu chuyện và bài học về cuộc sống mà tôi có thể học hỏi từ người khác. Cách tốt nhất để học hỏi là dựa vào kinh nghiệm, thế nên việc học hỏi kinh nghiệm từ người khác cũng có tác dụng như một đòn bẩy, chắc chắn sẽ xúc tiến quá trình của bạn. Những lời khuyên đơn giản như là “đừng bao giờ gọi điện tiếp cận khách hàng (cold-call) vào thứ hai hay thứ sáu” một khi đã được tích góp đầy đủ, sẽ trở nên cực kỳ hữu ích cho các bạn. 

Tôi đã kết nối với mọi người như thế đấy. Chìa khoá ở đây chính là làm thế nào để thực hiện nó một cách có hiệu quả, có chiến lược. Trước tiên, bạn cần phải tìm một điểm dẫn đầu đáng tin cậy: Hãy bắt đầu với gia đình và bạn bè của mình, sau đó là gặp gỡ cựu nam sinh của trường, tham gia những sự kiện giao lưu, phòng tập gym và những quán bar v.v… Đây là ví dụ điển hình của cá nhân tôi: tôi đến văn phòng của đàn anh khoá trên, mạnh dạn xin phép truy cập vào hệ thống dữ liệu của họ và hăm hở add tài khoản của mọi người trên LinkedIn, cải trang thành sinh viên Harvard và MIT, để tham gia vào những chương trình tuyển chọn hội viên hay sự kiện kết nối của họ. Khi dành ra tối thiểu một giờ mỗi ngày đề thực hiện những cuộc gọi tiềm năng (cold-calling) hay viết email (cold-emailing) cho mọi người, tôi ngạc nhiên bởi có rất nhiều người thật lòng luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Và đây là cách để nắm bắt cơ hội: bạn cần hỏi xin sự giúp đỡ và không ngừng đòi hỏi cho tới khi những lời càm ràm không ngớt đó trở thành nỗi phiền toái đối với mọi người xung quanh để rồi cuối cùng, họ sẽ phải trao cho bạn những điều mà bạn mong đợi.

Tuy nhiên, việc kết nối ấy không chỉ đơn thuần là những cái bắt tay hay là trao đổi những tấm danh thiếp không thôi đâu. Theo như khái niệm mà tôi đã đề cập đến ở phía trên, đó là việc xây dựng những mối quan hệ hẳn hoi. Thế nên chìa khoá ở đây chính là hãy tiếp tục bám sát nó (follow up). Tôi đã tạo một bảng tính để tiện cho việc dữ liệu hoá các liên lạc và theo dõi những tương tác của bản thân (nhân đây, bạn nên tập làm quen với chương trình Excel nếu muốn có được một công việc tốt trong ngành ngân hàng), xem bảng bên dưới đây.

Cột quan trọng nhất là cột “Next Step” – bước tiếp theo, được ví như một lời nhắc nhở để để tiếp thục theo dõi cứ mỗi một hoặc hai tháng. Việc nuôi dưỡng một mối quan hệ cũng giống như trồng một cây xanh vậy: cần phải có thời gian. Sau hai năm, tôi đã tích lũy được tổng cộng 79 liên hệ, nhiều người trong số họ trở thành bạn tốt của tôi, trong đó có 4 người đã dẫn dắt tôi vào phòng phỏng vấn cuối cùng của cuộc tuyển chọn. 

Nói ngắn gọn: kết nối, kết nối và kết nối.


2. Chuẩn bị phỏng vấn Phần này nghe có vẻ hơi nhàm chán và gần như chỉ thích hợp với ngành tài chính, đặc biệt là ngành ngân hành đầu tư, vì vậy tôi sẽ nói sơ qua nhanh thôi, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi chi tiết nào nữa, hãy gửi email cho tôi (đấy, lại là kết nối nữa đấy). Những cuộc phỏng vấn tú tài quốc tế - IB interviews (5) - thì khét tiếng gắt gao (chỉ xếp thứ hai sau buổi phỏng về việc tư vấn, tôi đoán vậy…) và việc tạo dựng các mối quan hệ chỉ có thể giúp bạn tiến xa tới vòng phỏng vấn đầu tiên là cùng và đó chỉ mới chiếm 30% của trận chiến mà thôi. Đối với những ai vừa mới quan tâm đến lĩnh vực này, hãy tìm đọc M&I và WSO (6) để biết thêm thông tin về ngành công nghiệp này, cũng như BIWS (7) để tiếp cận những mô hình, hình mẫu. Vâng, một điều chắc chắn là bạn cần phải thành thạo Excel (có tin không, tôi từng được hỏi về hàm INDEX MATCH và phím tắt để dán những công thức đặc biệt trong một lần phỏng vấn trước đây), nhưng quan trọng hơn nữa, bạn cần phải nắm được những kiến thức cơ bản về tài chính (ví dụ như giá trị doanh nghiệp và dòng tiền tự do là gì v.v…) để nắm được con át chủ bài trong vòng phỏng vấn ấy. Bởi tôi cảm thấy cực kỳ rối trí về nền giáo dục khai phóng của mình với tổng cộng hai lớp học về tài chính nên tôi đã chọn học thêm phân tích đầu tư tài chính (CFA) chỉ để chắc ăn hơn thôi. Nhưng tôi chỉ khuyến khích bạn làm điều này nếu như bạn có hơn 200 giờ rảnh rỗi. Bất luận thế nào, vẫn luôn có hàng đống tài liệu cần được chuẩn bị kỹ càng đến nỗi tôi không chắc là mình có thể đưa ra bất kỳ số liệu cụ thể nào ở đây nữa. 

Quả có rất nhiều điều được dự đoán trước trong quy trình tuyển chọn đầy cam go này đến mức tôi không thể nào ôm trọn hết được, những chủ đề như phải giải quyết thế nào khi bị từ chối, cách để tự thôi thúc, động viên bản thân hay sức mạnh của tính kiên trì, bền bỉ. Nhưng dù vậy, tôi vẫn nghĩ đó là một khởi đầu thuận lợi. Dành cho những ai muốn thành công trong ngành ngân hàng đầu tư ngoài kia, tôi thật vinh hạnh khi trở thành người kiểm chứng cho các bạn. Mặc cho không chắc rằng sau khi trò chuyện cùng tôi, bạn vẫn muốn trở thành một nhà đầu tư ngân hàng, nhưng dù sao đi chăng nữa, hãy cứ liên lạc với tôi và hỏi xin lời khuyên nhé …


Tóm tắt ngắn gọn: Làm thế nào để tìm kiếm một công việc trên đất Mỹ = có một mục tiêu rõ ràng và một kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm cả việc mạnh dạn kết nối với mọi người và cần mẫn trau dồi những kiến thức và kỹ năng cần thiết. 

----

Ghi chú cho bản dịch: (1) Nguyên văn: the three-and-out program. (2) Nguyên văn: cynical philosophy. (3) Nguyên văn: Aquinas’ First Cause argument. (4) Nguyên văn: a non-target school. (5) International Baccalaureate interview. (6) M&I: Mergers & Inquisitions, WSO: Wall Street Oasis. (7) BIWS: Breaking Into Wall Street.

----

Thông tin thêm về bản dịch Người dịch: Hà Mai Thùy Về hoạt động dịch chuỗi bài “LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ CÔNG VIỆC Ở MỸ?”: http://bit.ly/compassduandichbai (Chúng tôi vẫn đang tìm thêm tình nguyện viên dịch bài)

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários

Avaliado com 0 de 5 estrelas.
Ainda sem avaliações

Adicione uma avaliação

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page