Việc hiểu về tâm trí của mình - là một trong những việc khó khăn nhất. Sẽ là vô cùng khó để hiểu, dù chỉ là cơ bản về tính cách hay các động cơ thúc đẩy của chúng ta - bằng cái cách mà chúng ta hy vọng sẽ điều khiển được tâm trí hay dùng ý chí để ép buộc - cách mà đã phá hỏng phần lớn cuộc đời của chúng ta. Do đó, sẽ rất xấu hổ hay đôi khi thực sự chán nản khi nhận ra rằng việc xóa bỏ sự thiếu hiểu biết về tâm lý của mình chỉ bằng kiến thức thì không bao giờ là đủ. Hay đúng hơn, chúng ta nên nhận ra rằng: cần phải có một sự tách biệt rạch ròi và sâu sắc giữa việc hiểu bản thân bằng lý trí và bằng cảm xúc.
Ví dụ như vầy, chúng ta có thể hiểu được bằng lý trí rằng chúng ta rụt rè xung quanh các hình mẫu tính cách với nhiều quyền lực vì cha chúng ta là một hình mẫu lạnh lùng và xa cách, người mà đã không trao chúng ta một chút hỗ trợ và tình thương mà ta cần để dung thứ cho chính bản thân mình. Việc lồng ghép sự thấu hiểu này vào đặc điểm tính cách của chúng ta có thể sẽ mất nhiều năm, và khi đã đạt được điều đó, chúng ta sẽ mong vấn đề ta gặp phải giữa sự rụt rè và quyền lực có thể được xóa nhòa.
Nhưng đáng tiếc là nút thắt của tâm trí không hề dễ gỡ bỏ. Một sự thấu hiểu về quá khứ, là cần thiết, nhưng cũng không thể tự nó có tác dụng giải thoát chúng ta khỏi những vấn đề tinh thần. Để đối phó với điều này, chúng ta cần hướng tới một sự đánh giá gần gũi, chi tiết và sâu sắc hơn về nơi chúng ta đã đến và những điều chúng ta đã phải chịu đựng. Chúng ta cần cố gắng nhắm tới cái gọi là sự thấu hiểu mang tính cảm xúc về quá khứ - trái ngược với sự thấu hiểu được gọi tóm lược là lý trí.
Chúng ta sẽ phải trải nghiệm lại, ở một cấp độ kịch tính, các chi tiết nhỏ trong bối cảnh những năm đầu đời của chúng ta, khi mà vấn đề giữa người cha và sự quyền lực được hình thành. Chúng ta sẽ phải để trí tưởng tượng quay lại những khoảnh khắc nhất định. Những khoảnh khắc khó chịu đến nỗi mà ta khó có thể giữ nó tồn tại trong trí nhớ (theo ý muốn của tâm trí, nếu không được kích hoạt, tâm trí sẽ lược bớt phần lớn những việc chúng ta đã trải qua, chỉ giữ lại đầu mục thay vì toàn bộ câu chuyện, rồi cất những tài liệu đó vào nơi sâu thẳm trong thư viện tâm trí).
Điều chúng ta cần, không chỉ là hiểu rõ rằng giữa chúng ta và cha có một mối quan hệ không tốt đẹp, mà còn phải làm sống lại những nỗi buồn đó như thể nó chỉ vừa mới xảy ra hôm nay. Chúng ta cần trở lại những dòng ký ức về cha khi ta chưa đầy sáu tuổi; chúng ta cần nhớ về ánh sáng tỏa ra từ khu vườn, về chiếc quần nhung ta mặc, về tiếng cha văng vẳng khi nó chạm đến đỉnh điểm của nỗi lo lắng dâng cao, về cơn thịnh nộ của cha khi ta không được như kỳ vọng, về giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má, về tiếng la vương theo khi ta vụt chạy ra hành lang, về cảm giác rằng ta chỉ muốn chết đi cho rồi và mọi thứ tốt đẹp đều đã tiêu tan.
Ta cần các chi tiết như một cuốn tiểu thuyết, chứ không phải là một bài tiểu luận.
Tâm lý trị liệu từ lâu đã nhận ra sự khác biệt này. Cho dù việc nhận thức là vô cùng quan trọng - nhưng việc chỉ dựa vào bản thân nó trong quá trình trị liệu tâm lý, sẽ không phải là chìa khóa để giải quyết những vấn đề tâm lý của chúng ta. Điều này nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa việc nhận ra rõ ràng rằng chúng ta đã từng là một đứa bé nhút nhát với việc trải nghiệm lại, ở một mức độ chi tiết nhất, việc cảm thấy hèn nhát, bị chế giễu, ngu ngốc và luôn luôn có nguy cơ bị cự tuyệt hay chế nhạo; sự khác biệt giữa việc hiểu ra, một cách trừu tượng, rằng mẹ chúng ta vốn không hề chú tâm đến chúng ta khi chúng ta còn nhỏ với việc từ đó liên kết lại với cảm giác bơ vơ ta nhận được khi bày tỏ nhu cầu của ta với mẹ.
Việc trị liệu được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc làm sống lại cảm xúc như vậy. Chỉ khi chúng ta chạm được tới những cảm xúc ấy, ta mới có thể dùng năng lực của sự trưởng thành để chữa lành chúng. Và bằng cách đó để gọi tên thực sự vấn đề mà chúng ta đang gặp phải ở hiện tại.
Thật kỳ cục (và cũng thú vị) rằng những người lý trí có thể sẽ có một thời gian khó khăn trong việc trị liệu. Họ vốn rất hứng thú với các ý tưởng. Nhưng họ lại không dễ dàng tái tạo và thể hiện những nỗi đau hay sự u sầu của những năm đầu đời thơ ngây của họ, mặc dù đó đều là những giai đoạn mà tất cả chúng ta đều cần trải qua, lắng nghe và - có thể là lần đầu tiên - được an ủi và yên lòng.
Chúng ta cần, để trở nên tốt hơn, quay ngược lại thời gian, có thể là hàng tuần hoặc mỗi vài năm, và sống lại một cách sâu sắc những khoảnh khắc khi ta lên năm, lên chín, lên mười lăm - và cho phép chúng ta được rơi lệ, được sợ hãi và tức giận tùy thuộc vào tình huống. Và dựa trên nền tảng của sự thấu hiểu cảm xúc khó khăn lắm mới có được này, chứ không phải bằng cách lý trí mà ít đau đớn hơn, một ngày nào đó chúng ta sẽ có thể, thuận theo chiều gió, khám phá ra một phương thức để giải tỏa những vấn đề còn ẩn bên trong mình.
Nguồn bài dịch: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/knowing-things-intellectually-vs-knowing-them-emotionally
Người dịch: Nguyễn Minh Trang Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing
Về Compassion: www.compassion.vn/about
Comments