Thời lượng: 15 phút
Tần suất: 1 lần/ tuần
Độ khó: Trung bình
Thời gian cần thiết: 15 phút
Dẫn nhập
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta quá mải đuổi theo những lo toan thường nhật mà quên mất việc thỉnh thoảng phải dừng lại và thấy được những điều có thể khiến chúng ta ngạc nhiên từ thế giới xung quanh.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng trước một cánh rừng già, trên đỉnh một ngọn đồi hay trong một hẻm núi, sự kì vĩ và bí ẩn của thiên nhiên khiến cho bạn vừa tò mò muốn khám phá vừa e sợ trước những gì vượt quá sự hiểu biết hiện tại của bản thân. Bạn cảm thấy choáng ngợp và sững sờ, đồng thời cũng tràn đầy cảm kích khi những hình ảnh này giúp bạn quên đi muộn phiền, mở rộng tâm trí bạn đến với một thế giới rộng lớn hơn bản ngã và đem lại cho bạn nguồn cảm hứng mới giúp cải thiện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong mô hình Bánh xe cảm xúc (Wheel of Emotions) của Plutchiks (*), khái niệm về loại cảm xúc hỗn hợp bao gồm “sự tôn kính trộn lẫn giữa nỗi sợ hãi và sự ngạc nhiên”, hay “sự ngưỡng mộ, sợ hãi… được tạo ra bởi những thứ vĩ đại, cao siêu, vô cùng mạnh mẽ” này được gọi là Awe – một kết hợp giữa 2 trong số 8 loại cảm xúc chính là Fear (sợ hãi) và Surprise (ngạc nhiên). Mặc dù hầu hết các định nghĩa cơ bản mô tả Awe có thể là một cảm xúc tích cực (ví dụ như: sững sốt, kính nể, choáng ngợp…) hoặc cũng có thể là một cảm xúc tiêu cực (như: kinh hoàng, sợ hãi, hoang mang…), nhưng khi được hỏi về các sự kiện hoặc tình huống đem lại cảm xúc này thì đa số mọi người đều chỉ đưa ra những trải nghiệm tích cực mà thôi.
Bằng các phân tích và thực nghiệm, các nhà khoa học của Hiệp hội Khoa học tâm lý APS (Association of Psychology Science) như Dacher Keltner (Đại học California, Berkeley) và Jonathan Haidt (Đại học New York) cho rằng loại cảm xúc phức hợp bao gồm “choáng ngợp và hoang mang” này có tác động tích cực mạnh mẽ đến tâm lý và từ đó có thể thay đổi hành vi con người theo hướng tốt đẹp hơn. Người ta có thể có được cảm xúc này một cách chủ động khi đứng trước một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khi xem một tác phẩm nghệ thuật, khi chứng kiến những hành xử đẹp đẽ giữa người với người, hay khi có một trải nghiệm tôn giáo hoặc tâm linh.
Vậy, lần gần đây nhất mà bạn cảm thấy kinh ngạc hay thán phục trước một hình ảnh, cử chỉ hay sự việc nào đó là gì?
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng có nhiều cách để có thể tìm thấy cảm giác này, và một trong số đó là thực hành phương pháp Awe Walk – một hoạt động đi dạo hay tản bộ với một tâm thế khám phá những góc nhìn mới kể cả đối với những thứ vốn quen thuộc và bình thường, bằng cách chủ động quan sát và cảm nhận những chi tiết hiện diện trong không gian hay bối cảnh xung quanh.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn làm cách nào để có thể thực hành hoạt động này, làm sao để tìm thấy sự ngạc nhiên và nguồn cảm hứng qua một chuyến dạo chơi.
Chúng ta sẽ thực hiện chuyến đi dạo đó như thế nào
Bằng một góc nhìn phù hợp, bạn gần như có thể tìm thấy những điều ngạc nhiên thú vị trong bất kì môi trường nào, và biến một trải nghiệm tầm thường thành một sự thăng hoa của cảm hứng và ngạc nhiên. Điều này rất hay xảy ra ở những nơi có hai đặc tính chủ chốt đó là: sự mênh mông bao la về mặt vật lý và tính mới lạ khác thường. Đó có thể là những cảnh sắc thiên nhiên, như con đường mòn leo núi với hàng cây cao chạy dọc theo, hay những quang cảnh đô thị như khi nhìn từ trên đỉnh của một tòa nhà chọc trời.
Bạn sẽ dễ thấy choáng ngợp hơn khi ở một nơi chốn mới, nơi có những hình ảnh và âm thanh còn xa lạ với bạn. Tuy nhiên, có một vài nơi dường như không bao giờ cũ!
Bất kể bạn ở đâu, điều quan trọng là bạn phải ở trong một tâm trạng thích hợp. Thực hành sau đây được thiết kế để giúp bạn đạt được điều đó: biến một chuyến đi dạo bình thường trở thành một chuỗi những khoảnh khắc đáng kinh ngạc và chứa đầy những bất ngờ thích thú.
Để bắt đầu, hãy tắt điện thoại của bạn đi. Điện thoại di động (và những công cụ tiện ích khác) có thể làm bạn phân tâm và hướng sự chú ý của bạn ra xa khỏi những gì đang thực sự diễn ra xung quanh. Hoặc tốt hơn là hoàn toàn không mang chúng theo và như vậy bạn sẽ không bị thôi thúc phải mở ra để kiểm tra. Trong suốt chuyến đi, hãy cố gắng tiếp cận những gì bạn thấy bằng một cái nhìn mới, hình dung rằng bạn đang nhìn thấy nó lần đầu tiên. Sau đó hãy làm theo những bước sau:
Hít một hơi thật sâu. Đếm từ 1 đến 6 khi bạn hít vào rồi lại đếm đến 6 khi thở ra. Cảm nhận luồng không khí đi qua mũi và nghe âm thanh của hơi thở của bạn. Lặp lại cách thở này trong suốt chuyến đi.
Ngay khi bắt đầu, hãy cảm nhận bàn chân bạn trên mặt đất và lắng nghe những âm thanh xung quanh.
Chuyển đổi ý thức của bạn lúc này để có thể mở lòng với những thứ quanh bạn, với những thứ rộng lớn, không mong đợi, những thứ bất ngờ và thú vị.
Lại hít một hơi thật sâu. Một lần nữa, đếm đến 6 khi hít vào và lặp lại khi thở ra.
Mở rộng sự chú ý của bạn để khám phá những gì tạo nên cảm hứng kinh ngạc bên trong bạn: Đó có phải là một quang cảnh rộng lớn? Hay là những hoa văn nhỏ được tạo nên bởi ánh sáng và bóng râm? Để sự tập trung của bạn di chuyển từ cái mênh mông đến những chi tiết nhỏ hơn.
Tiếp tục hành trình và thỉnh thoảng hãy quay về với việc tập trung vào hơi thở. Đếm đến 6 khi hít vào và thở ra. Chú ý – thật sự chú ý – vô số các hình ảnh, âm thanh, mùi hương, và những cảm nhận khác đang nhảy múa bên trong nhận thức của bạn – những cảm nhận mà bình thường bạn ít khi phát hiện ra.
Một khi tập được thói quen của việc đi dạo như thế, bạn có thể sẽ bị ấn tượng bởi tần suất những cơ hội để bạn trải nghiệm sự kinh ngạc: chúng thực sự là không có giới hạn.
Khi bạn trải qua một ngày, hãy ghi nhận lại những khoảnh khắc đem lại cho bạn sự ngạc nhiên, những khoảnh khắc khiến bạn nổi da gà: Đó là những cơ hội để có được cái cảm giác “sững sờ kinh ngạc” đó. Chúng có thể ở ngay trong thành phố, trước một tác phẩm nghệ thuật, khi lắng nghe âm nhạc, hay kết nối với những người khác. Hãy ra khỏi nhà và tìm kiếm những khoảnh khắc choáng ngợp của bạn rồi lắng nghe chúng thật kĩ; xem chúng sẽ dẫn dắt bạn đến đâu. Bởi vì chúng khuấy động tính khiêm nhường và sự ngạc nhiên, bạn sẽ khám phá ra rằng chúng hướng bạn đến những điều mà bạn cần phải làm khi bạn còn trên trái đất này.
Một vài ý tưởng cụ thể về những nơi để bạn thực hiện một chuyến đi dạo “đầy kinh ngạc”
Bối cảnh ngoài thiên nhiên:
Một ngọn núi với những góc nhìn toàn cảnh.
Một con đường mòn với hàng cây cao chạy dọc theo.
Bờ biển của một đại dương, hồ, sông hay thác nước.
Một đêm trời quang và bạn có thể nhìn thấy những vì sao.
Một nơi mà bạn có thể ngắm hoàng hôn hay bình minh.
Bối cảnh trong thành phố:
Đó có thể là đỉnh của một tòa nhà chọc trời… hay khi bạn nhìn lên một không gian dày đặc những tòa cao ốc.
Một tượng đài lịch sử.
Một phần của thành phố mà bạn chưa bao giờ khám phá trước đây.
Một sân bóng hay sân vận động.
Một chuyến tham quan các điểm nghệ thuật trong thành phố và khám phá các phòng tranh khác nhau.
Những khu vườn bách thảo hay sở thú nơi có các loại động thực vật mà bạn chưa từng thấy.
Đi dạo vòng quanh mà không đặt ra điểm đến trong tâm trí và xem thử chuyến đi dẫn bạn đến đâu.
Bối cảnh trong nhà:
Một cung thiên văn hay thủy cung.
Một lâu đài lịch sử, thánh đường hay một nhà hát kịch.
Bước chậm rãi quanh một bảo tàng, cho phép toàn bộ tâm trí tập trung vào từng tác phẩm trưng bày.
Vì sao chúng ta nên thực hiện hoạt động này
Đôi khi, có vẻ như chúng ta đang ở trung tâm của cái vũ trụ của riêng ta, mải mê với những mối bận tâm riêng tư mà không chú ý đến những người khác. Sự trải nghiệm những cám xúc “đầy kinh ngạc” này có thể thúc đẩy chúng ta ra khỏi cách tư duy vị kỷ, khuấy trộn những cảm xúc của sự ngạc nhiên và niềm cảm hứng bằng cách nhắc nhở rằng chúng ta là một phẩn của một thứ gì đó to lớn hơn bản thân của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu định nghĩa loại cảm xúc “trộn lẫn giữa ngạc nhiên và sợ hãi” này như một kiểu phản ứng với những thứ mà chúng ta nhận định là kì vĩ và vượt quá cách chúng ta hiểu về thế giới. Nghiên cứu cho rằng những trải nghiệm cảm xúc này sẽ không chỉ tăng cường niềm hạnh phúc và sức khỏe về thể chất, mà còn làm giảm các cảm giác về quyền lợi cá nhân và gia tăng sự hào phóng.
Trải nghiệm “ngạc nhiên choáng ngợp” đó nghe như là một thứ đòi hỏi bạn phải du hành đến những vùng đất xa xôi, nhưng có nhiều bối cảnh ở gần nhà hơn cũng có thể đem lại cảm xúc này – chỉ cần chúng ta tìm ra và nhận biết chúng. Bạn sẽ làm được điều đó bằng những thực hành này.
Trải nghiệm cảm xúc này tác động đến chúng ta như thế nào
Nghiên cứu gợi ý rằng “cảm xúc ngạc nhiên choáng ngợp” có một phương pháp để nhấc con người ta ra khỏi các lề thói thường ngày của họ và kết nối họ với điều gì đó lớn hơn và trọng đại hơn. Cảm giác về tính kết nối và mục tiêu rộng lớn hơn này có thể giúp giải tỏa các tâm trạng tiêu cực và cải thiện sự hạnh phúc, và nó có thể làm cho con người hào phóng hơn khi họ trở nên ít tập trung hơn vào bản thân mình. Việc khơi gợi lên các cảm xúc “kinh ngạc, trầm trồ…” có thể đặc biệt hữu ích khi bạn cảm thấy sa lầy vào các mối bận tâm ngày qua ngày.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý học Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology), Paul Piff - tiến sĩ, giáo sư dự khuyết ngành Tâm lý học và Hành vi Xã hội (Đại học California, Irvine) - cùng các nhà khoa học khác đã thực hiện một thí nghiệm trong khuôn viên của Đại học California, Berkeley, nơi có một rừng bạch đàn Tasmania với một số cây có chiều cao hơn 60 mét.
Một vài người đứng trong rừng cây bạch đàn cao chót vót đó và ngước nhìn lên trong một phút; những người khác thì nhìn lên một tòa nhà bình thường (một tòa nhà không quá đặc biệt đến mức gây ngạc nhiên) cũng trong một phút. Sau đó, một người thuộc nhóm những nhà nghiên cứu “vô tình” làm rơi một bó bút xuống đất. Những người đang nhìn lên cây sau đó đã đưa ra đề nghị giúp đỡ (và thực tế họ đã nhặt nhiều bút hơn); họ cũng dường như ít có khuynh hướng hành xử theo những cách phi đạo đức hơn, cũng như ít có cảm giác hơn về việc họ đã được hưởng sự đối xử ưu tiên.
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, những cảm xúc “kinh ngạc, sợ hãi, choáng ngợp” mặc dù thường thoáng qua và khó diễn tả nhưng chúng phục vụ cho một chức năng xã hội quan trọng. Bằng cách giảm bớt tầm quan trọng của bản thân mỗi cá nhân, chúng có thể khuyến khích con người từ bỏ lợi ích hẹp hòi của bản thân để làm tăng phúc lợi của người khác," – Piff cho biết. “Nếu hỏi rằng liệu những cảm xúc đó có thể khiến mọi người đầu tư nhiều hơn vào những điều tốt đẹp, cống hiến nhiều hơn cho từ thiện, tình nguyện giúp đỡ người khác hoặc hành động nhiều hơn để giảm tác động đến môi trường, thì nghiên cứu của chúng tôi cho thấy câu trả lời là Có."
(*) Xem thêm: https://www.compassion.vn/post/wheel-of-emotions
----------------
Dịch & tham khảo từ:
Nguồn bài dịch: https://ggia.berkeley.edu/practice/awe_walk
Người dịch: Tran Thi Ca Dao ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments