top of page
Ảnh của tác giảCompassio

ANIRUDDHA KOKARE - “NGƯỜI VIẾT CÂU CHUYỆN KẾ TIẾP”

Khi admin vừa mới bắt đầu lập ra trang “Làm thế nào tôi có công việc ở Mỹ?”, Aniruddha, anh bạn của admin, đã nói với admin vài lần rằng anh sẽ là: “NGƯỜI VIẾT CÂU CHUYỆN KẾ TIẾP”. Điều này thực sự làm tôi xúc động bởi vì tại thời điểm đó anh vẫn đang loay hoay, cố gắng tìm một công việc sau khi tốt nghiệp. Và bây giờ Aniruddha đang làm việc với Tập đoàn Tư vấn Boston với vị trí Chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Cùng đến với câu chuyện của Aniruddha nhé! – Lời dẫn của Toàn Võ, người sáng lập ra “Làm thế nào tôi có công việc ở Mỹ?”

Sau khi tôi được nhận vào Tập đoàn tư vấn Boston với vị trí Chuyên viên phân tích nghiệp vụ cuối năm ngoái thì anh bạn Toàn Võ của tôi đã tìm đến tôi với lời đề nghị viết một câu chuyện ngắn cho “Làm thế nào tôi có công việc ở Mỹ?”. Thú thực tôi không giỏi viết lách nên tôi rất lười viết, nhưng rồi trước sự thuyết phục kiên trì, niềm đam mê với blog và nỗ lực giúp đỡ mọi người của Toàn, tôi đã đồng ý tham gia.

Toàn – người anh em tốt của tôi đến từ Trường Thương mại Quốc tế Brandeis, luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho mọi người nhờ vào kiến thức uyên thâm, sự chu đáo, kĩ lưỡng và tài ăn nói nhẹ nhàng. Anh ấy lúc nào cũng nỗ lực đặt ra những mục tiêu cao hơn nữa không những cho bản thân mà cho cả những người xung quanh. Cậu ta là một người có thể cho bạn những lời khuyên đáng tin cậy về nghề nghiệp, xu thế việc làm và cả những thông tin tuyển dụng sốt dẻo.


Ngay từ những ngày đầu học chung ở Brandeis, anh ấy đã cho tôi những lời khuyên bổ ích, giá trị về việc làm sao để kết nối và hoạt động hiệu quả trên Linkedln. Kể cả sau khi tốt nghiệp từ 15 tháng 5 chúng tôi vẫn luôn giữ liên lạc với nhau. Những lúc gặp khó khăn về vấn đề kết nối hay bị đưa vào thế tiến thoái lưỡng nan trong quá trình tìm việc, tôi đều tìm đến nhờ Toàn giúp đỡ.


Chia sẻ một chút về con đường học hành và công việc tôi làm trước đây, tôi tốt nghiệp Đại học Mumbai với tấm bằng cử nhân ngành Kỹ sư Công nghệ thông tin; sau đó tôi làm việc 5 năm ở vị trí Tư vấn viên công nghệ cho một công ty tư vấn nhỏ và làm dịch vụ cho một công ty đa quốc gia ở Ấn Độ. Nhờ những trải nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ mà tôi thu lượm được một lượng lớn kiến thức chuyên môn, thêm vào đó công việc tư vấn giúp tôi mở rộng quan hệ với khách hàng, nâng cao kĩ năng quản lí nhóm và kết hợp làm việc đa chức năng. Ngoài ra, nó còn dấy lên trong tôi niềm yêu thích học các kĩ năng kinh doanh để mở rộng phạm vi cho những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn; điều này đã thôi thúc tôi phải theo đuổi tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.


Và bây giờ tôi sẽ chia sẻ về những trải nghiệm của tôi với tất cả các bạn, tôi hi vọng nó sẽ có ích cho sự nghiệp của các bạn. Mong những điều tốt đẹp và may mắn sẽ đến với bạn!

1. Xây dựng một cộng đồng kết nối mạnh mẽ và đừng để những mối liên hệ này bị đứt đi nhé:

“Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nhưng nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.”

Kết nối với mọi người là một yếu tố then chốt trong việc tìm kiếm những cơ hội phù hợp với bạn, nên hãy sớm bắt đầu xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ thật vững mạnh. Hãy tạo những mối liên kết trên Linkedln bằng cách gửi một đoạn giới thiệu về bản thân, về lĩnh vực mà bạn yêu thích. Tương tác với những công ty tiềm năng thông qua các Ngày hội việc làm, kết nối với nhà tuyển dụng và tạo mối liên hệ tốt với những cựu nhân viên. Đặc biệt là giữ quan hệ thân thiết với những người có công việc làm bạn hứng thú, chẳng hạn như là bạn có thể mời người đó đi uống cà phê, ăn trưa hoặc gọi điện thoại hỏi thăm để họ có thể biết về bạn ở một mức độ cơ bản; nếu như có một cơ hội nào đó mở ra thì có thể bạn sẽ là người mà họ nghĩ đến.

Trong quá trình tìm việc, tôi đã từng yêu thích vị trí pre-sales với Microsoft ở NERD thuộc văn phòng Boston. Trước khi nộp đơn xin việc online hoặc gặp nhà tuyển dụng, tôi muốn được trao đổi thêm với một người nào đó đã từng làm ở vị trí mà tôi muốn ứng tuyển. Tôi xem lướt qua profile của nhiều người và nhắm được một số ít trong đó, tôi liên lạc với họ qua Linkedln và Meetup.com (đây là một diễn đàn để bạn gặp gỡ những người có chung niềm đam mê với bạn, có thể là thể thao hay công việc) và nhờ đó tôi cũng gặp được hai người làm việc cho Microsoft. Họ đã cho tôi biết rất nhiều thông tin giúp tôi hiểu rõ vị trí tôi muốn ứng tuyển như:


1. Những tiêu chí và cách thức tuyển nhân viên; 2. Phân biệt các chức vụ, vai trò khác nhau và đánh giá xem liệu những kinh nghiệm của tôi có phù hợp với vị trị đó hay không; 3. Góp ý giúp tôi hoàn thiện CV của mình hơn ứng với từng vị trí cụ thể và  4. Một số việc cần làm thêm để giúp tôi đánh bóng bộ CV của mình. Rõ ràng việc kết nối và xây dựng các mối quan hệ đã giúp tôi có cái nhìn tường tận và sâu sắc về vị trí tôi đang nhắm tới; hơn nữa, chính những người đó đã đề cử tôi. (*)  

Việc có một người hướng dẫn sẽ góp phần rất lớn vào thành công của bạn, tôi cảm thấy bản thân thực may mắn khi có những người chỉ đường đã từng thành công vượt qua những công đoạn tìm việc làm khắc nghiệt; họ đã truyền cho tôi những kiến thức, kinh nghiệm quý giá về những việc nên và không nên làm trong quá trình phỏng vấn và nộp đơn. Tìm kiếm một người hướng dẫn mà lại có chung sở thích, đam mê có thể sẽ khá là khó khăn nhưng tin tôi đi nếu bạn tìm ra họ, họ sẽ là những “chuyên viên giỏi nhất” cho bạn và nhiệt tình giúp đỡ bạn phát triển năng lực chung và mở rộng các mối quan hệ.


2. Hãy chọn lọc những công việc liên quan tới lĩnh vực mà bạn yêu thích vì đó sẽ là điểm cộng to lớn cho công việc, nghề nghiệp tương lai của bạn.

Thời gian năm nhất khi tôi học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, trường của tôi bắt đầu mở những khóa học về Phân tích và cung cấp khóa đào tạo chuyên sâu lĩnh vực Phân tích Data (Data Analytics). Đây thực sự là một cơ hội rất tốt vì tôi vừa duy trì được việc học chuyên môn liên quan tới ngành nghề công nghệ của tôi mà vừa tích góp được nhiều kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh – tài chính. Tôi đã đăng kí khóa học và nói chuyện với một vài giáo sư về những nguyện vọng nghề nghiệp tương lai của tôi và tôi không ngờ rằng nó đã giúp tôi tìm được một nguồn cảm hứng và niềm yêu thích mới mẻ với môn Phân tích và có thể xem nó cũng là một nghề nghiệp triển vọng sau này. Những trải nghiệm từ việc tham gia các dự án trong trường và làm việc với những công cụ hiện đại nhất đã giúp tôi tập trung vào mục tiêu tìm kiếm cơ hội thực tập với Henry Schein trong lĩnh vực Phân tích (Analytics).

Thêm vào đó, tôi còn tham gia một khóa tư vấn với dự án kết hợp giữa công nghệ thông tin và kinh doanh, đây là là định hướng tôi nhắm đến cho nghề nghiệp tương lai của của mình. Tôi tập trung phát triển công nghệ kết hợp với những thế mạnh kinh doanh thông qua việc cố gắng phát huy tác dụng của những kiến thức MBA tôi đã học trước đó để thu lượm kinh nghiệm và tăng khả năng thành công trong tương lai. Tôi được biết đến những công cụ công nghệ mới nhất cũng như những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực Phân tích và khi tôi thực sự bắt tay vào công việc, tôi  đã ý thức được những vấn đề, yêu cầu bắt đầu ập tới từ khách hàng. Nhờ đó mà trong các cuộc phỏng vấn, tôi đã dùng hết sức truyền đạt lại những trải nghiệm tôi đã học hỏi được và để lại ấn tượng tốt.


3. Hãy lấy giấy chứng nhận! Đầu tư vào chính bản thân bạn!

Ở chỗ làm đầu tiên của tôi, họ đã tài trợ cho tôi học một khóa học có giấy chứng nhận của Microsoft, tôi chợt nghĩ – Việc lấy một tờ giấy chứng nhận thì nó có khác biệt gì chứ? Tôi cần kiến thức thực chất chứ không phải là một tờ giấy. Nhưng rồi sau đó tôi nhận ra, vì tôi phải làm việc với những khách hàng rất đa dạng và họ tới từ những ngành nghề khác nhau, tôi đúc kết được rằng đa phần họ thường đặt niềm tin cao hơn vào những đối tác/ ứng viên có giấy chứng nhận liên quan đến ngành nghề của người đó. Vì vậy lời khuyên của tôi cho bạn là hãy học và lấy giấy chứng nhận từ một khóa học liên quan đến ngành nghề yêu thích của bạn và hãy đặt những mục tiêu cao dần lên để không ngừng nâng cao sự nghiệp bản thân. Microsoft, Oracle or CFA/ CPA or PMP/ Six sigma, lấy giấy chứng nhận phù hợp với công việc của bạn với tầm nhìn hướng về những triển vọng tương lai.

Sau khi tôi bắt đầu công việc với Tập đoàn Tư vấn Boston, quản lý của tôi đã nói với tôi điều làm tôi khác biệt và nổi bật so với những ứng viên khác là CV của tôi. Những cái bằng chứng nhận đã giúp ích rất nhiều trong việc đánh bóng hồ sơ và thể hiện sự nghiêm túc của bạn đối với nhà tuyển dụng nên hãy tin tôi đi đó sẽ là một hình thức đầu tư tốt nhất cho tương lai của bạn.


4. Luôn tin tưởng vào bản thân và tiến về phía trước:

Trong buổi định hướng đầu tiên ở trường Brandeis, chúng tôi được nghe về những khó khăn mà chúng tôi sẽ phải đối mặt trong suốt hai năm chương trình và tầm quan trọng của việc nhìn nhận và xử lý những thách thức này một cách tích cực. Tôi đã gặp phải rất nhiều gian nan, tôi có thể chỉ vượt qua một số thử thách nhưng trong mỗi khó khăn tôi đều đúc kết được những bài học quý báu cho bản thân. Tận dụng tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc của bạn và dùng nó làm đòn bẩy để thúc đẩy bạn, đây chính là lúc mà bạn xác định chỗ đứng của bạn, xác định khả năng học hỏi và chuyển hóa thách thức thành cơ hội.


5. Hãy năng động và sẵn sàng tiếp thu những ý tưởng mới:

Lúc tôi học MBA thì lĩnh vực Phân tích vẫn còn khá mới mẻ và bởi vì tôi đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt là phân tích dữ liệu (Data Analytics). Tôi thực sự rất trân trọng điều này, nó cho tôi một lợi thế hơn người khác, tập trung phát triển tầm nhìn tương lai và tôi đã xây dựng một hồ sơ xin việc mạnh hơn những thí sinh khác. Tương tự, tôi khuyên các bạn đừng nên cứng nhắc, hãy cởi mở trước những ý tưởng mới và nhớ rằng quá trình này yêu cầu các bạn phải đập vỡ đi những tư tưởng cũ rích.


6. Tận dụng tối đa mọi sự lựa chọn và hãy chọn ra cái tốt nhất

Tôi thường dùng các phương pháp như ứng tuyển trực tuyến và internal referral (xem chú thích) nhưng tôi vẫn giữa liên lạc với các nhà tuyển dụng qua Linkedln và gửi mail trực tiếp CV kèm theo 1 đoạn giới thiệu ngắn về bản thân tôi cho họ. Tôi không chắc là phương pháp nào trong số đó là tốt nhất. Tôi cũng thử những cách khác như đến “Ngày hội việc làm” hoặc các văn phòng tư vấn để tìm kiếm cơ hội việc làm tiềm năng. Không có cách nào có thể biết chính xác cách nào tốt cho bạn, nhưng dù sao tôi đã áp dụng thành công nên tôi thực sự mong các bạn sẽ thử những cách này hay bất kì cách nào cố gắng liên lạc với các nhà tuyển dụng, gửi đơn ứng tuyển cho họ và đừng bao giờ chỉ dừng lại ở đó mà hãy chủ động hơn nữa để tìm kiếm và theo đuổi những cơ hội việc làm mong muốn.

Ngay giữa lúc mà tôi chẳng còn trông mong, hi vọng vào việc nộp đơn ứng tuyển trực tuyến thì Tập đoàn Tư vấn Boston lại liên lạc với tôi qua đơn tôi đã nộp trực tuyến online, tôi đã thành công vượt qua 7 vòng phỏng vấn và được chọn. Tôi đã vô cùng nghiêm túc sử dụng tất cả mọi cách có thể để chuẩn bị cho mỗi vòng phỏng vấn, cố gắng hết sức giữa một thái độ tích cực và giờ đây tôi đã có được công việc mơ ước. Cuối cùng tôi nghĩ là không có một cách cụ thể nào có thể giúp bạn có được công việc hằng ao ước ngoại trừ việc luôn luôn suy nghĩ tích cực, đây là cách duy nhất để tiến lên phía trước. Học hỏi từ những thất bại, chuẩn bị những gì tốt nhất có thể và rồi cơ hội cuối cùng cũng sẽ gõ cửa bạn. Bạn bè và gia đình cũng đóng một vài trò vô cùng quan trọng, họ luôn động viên và đặt niềm tin vào tôi. Hãy tin tưởng vào chính mình bạn nhé!

——— Người dịch: Virginia

Hoạt động dịch chuỗi bài viết về  “Làm thế nào tôi có công việc ở Mỹ?” vẫn đang tìm thêm tình nguyện viên dịch tại: http://bit.ly/compassduandichbai

Chú thích cho bản dịch:

- The Boston Consulting Group: Tập đoàn Tư vấn Boston - BCG là tập đoàn của Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm, hiện đứng thứ 3 trên thế giới về lĩnh vực tư vấn. BCG tham gia tư vấn cho nhiều Chính phủ và thành phố trên thế giới về chiến lược phát triển du lịch, hoạt động ở 50 quốc gia.

- Trường Thương mại Quốc tế Brandeis: tên gốc Tiếng Anh là Brandeis International Business School thuộc bang Massachusetts.

- Chuyên viên phân tích nghiệp vụ: gốc Tiếng Anh là Senior Knowledge Analyst

- Ngày hội việc làm: Career Fair

- Giải thích thuật ngữ pre-sales: http://www.hipt.vn/tin-tuc/presale-la-gi/

- Profile: mô tả sơ lược về bản thân

- (*): thông qua hệ thống internal referral, còn gọi là Referral Recruitment thực chất là phương pháp sử dụng mạng lưới xã hội làm phương tiện tuyển dụng nhân viên cho tổ chức thay vì đăng tuyển trên các website tìm việc làm hay báo chí hoặc thông qua mối quan hệ của đồng nghiệp, nhân viên, bạn bè, người thân… để có những gợi ý ứng viên chất lượng lấp đầy vào những vị trí còn đang bỏ ngỏ (nguồn: https://iconicjob.vn/blog/referral-recruitment-phuong-phap-tuyen-dung-giup-ban-tiet-kiem-duoc-ca-nui-vang/)

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

תגובות

דירוג של 0 מתוך 5 כוכבים
אין עדיין דירוגים

הוספת דירוג

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page