Nỗi sợ bị từ chối là một vấn đề lớn của nhiều người - và nó từng là nỗi sợ của chính tôi nữa. Tôi từng quá lo lắng về việc người khác cảm thấy như thế nào về mình đến nỗi tôi thường thấy lo âu trong quá trình tương tác với họ - luôn cố gắng nói và làm "điều đúng" để khiến họ thích tôi hay ít nhất là nghĩ tốt về tôi.
- Tiến sỹ Margaret Paul -
Điều tôi không nhận ra trong những năm tháng đó là có nhiều cách thức mà tôi làm chính là đang phủ nhận chính mình, điều đó khiến tôi cảm thấy tôi không đủ tốt trừ khi có người khác thích tôi và chấp nhận tôi. Nỗi sợ bị người khác khước từ của tôi thực ra là sự phóng chiếu của nhiều cách thức khác nhau mà tôi tự phủ nhận bản thân mình. Đó đã là cách đây nhiều năm rồi. May mắn thay, khi tôi ngừng việc khước từ chính mình, nỗi sợ bị người khác từ chối cũng không còn nữa.
Khi làm việc với hàng ngàn khách hàng trong suốt 44 năm qua và cả trong việc chữa lành nỗi sợ bị từ chối của bản thân, tôi đã khám phá bốn cách thức chính yếu nhiều người tự phủ nhận chính họ. Bạn có khước từ chính mình trong một vài hay tất cả các cách thức này không, cùng xem nhé?
1. Phán xét bản thân
Bạn có cảm thấy bị phủ nhận khi người khác phán xét bạn? Điều tương tự cũng diễn ra như thế ở thế giới bên trong nội tâm. Tự phán xét chính mình là một hình thức mạnh mẽ và thường thấy của việc phủ nhận bản thân.
Bạn có nhận ra mình cảm thấy như thế nào khi bạn tự phán xét bản thân? Hoặc bạn đã từng làm tê liệt cảm xúc của mình, mà đó cũng là hình thức phổ biến khác của việc phủ nhận bản thân? Bạn có nhận ra khi bạn tự phán xét mình bạn dường như cảm thấy lo âu, chán nản, tội lỗi, xấu hổ và/hoặc tức giận? Bạn có từng liên kết những cảm giác này với việc tự phán xét chính mình của bạn không?
Nếu bạn phán xét một đứa trẻ bằng cách nói rằng “Mày là đứa thảm hại”, “Mày thật ngu ngốc”, “Mày thật xấu xí”, “Có vấn đề gì đó sai lầm với mày ấy”, “Mày không đủ tốt”, và cứ như thế, đứa trẻ sẽ cảm thấy bị phủ nhận, không được yêu thương và nó không đáng được yêu thương. Điều tương tự cũng xảy ra như thế khi bạn phán xét bản thân mình. Nếu bạn tưởng tượng rằng bạn đang hướng những lời phán xét này về phía đứa trẻ bé bỏng bên trong bạn, thì bạn có thể bắt đầu hiểu tại sao tự phán xét mình là một dạng phủ nhận bản thân.
2. Phớt lờ những cảm xúc của bạn bằng cách kìm giữ chúng trong tâm trí
Nhiều người trong chúng ta lớn lên học được cách phớt lờ những cảm giác đau đớn bởi vì khi ấy chúng ta quá nhỏ bé để quản lý được chúng. Khi là một đứa trẻ, nếu bạn cảm thấy cô đơn, bị khước từ, đau khổ tuyệt vọng và bất lực vì cách người khác đối xử với bạn hoặc do mất đi một người thân yêu, thì khi đó bạn phải tìm cách để không cảm thấy mức độ sâu sắc của nỗi đau đớn đó. Những đứa trẻ nhỏ không thể kiểm soát nỗi đau của những cảm xúc to lớn mà không có cha mẹ yêu thương giúp đỡ chúng học cách quản lý cảm xúc.
Một cách mà nhiều người trong chúng ta học được để không cảm thấy nỗi đau của mình là bằng cách ngắt kết nối với cơ thể - đây là nơi các cảm giác hiện diện - và thay vào đó là tập trung vào tâm trí của chúng ta. Nhưng bởi vì những đứa trẻ thực sự sẽ cảm thấy bị từ chối nếu bạn phớt lờ các cảm giác của chúng, đứa trẻ bên trong bạn cũng cảm thấy bị phủ nhận khi bạn bỏ lơ các cảm giác của bản thân. Đứa trẻ bên trong là bản thể cảm giác bên trong của bạn, vì thế khi bạn ở trong tâm trí và ngắt kết nối với cảm xúc của mình, bạn đang khước từ một khía cạnh quan trọng sống còn của chính mình.
3. Sa đà vào nghiện ngập để tránh né cảm nhận các cảm giác của bản thân
Bạn đã học cách sử dụng thức ăn, chất kích thích hay rượu bia, thuốc lá, tivi, trò chơi điện tử, sex hay mạng Internet để né tránh cảm thấy các cảm giác của mình không? Bạn đã học cách dùng vật sắc bén cứa vào người mình, cắn vào da thịt mình, cắn móng tay, kéo giật tóc mình - bắt mình phải chịu vài mức độ nỗi đau cơ thể nào đó để tránh né nỗi đau cảm xúc hay không? Bạn có trở nên chán ăn (anorexic) hay mắc chứng ăn ói (bulimic) như là cách kiểm soát cảm giác của mình không?
Do bởi một đứa trẻ thực sự sẽ cảm thấy bị từ chối nếu như khi nó đau đớn và tìm đến bạn, bạn cứ luôn đưa cho nó một miếng bánh quy và đặt nó ngồi trước tivi hơn là bằng lòng trắc ẩn chỉ ra nỗi đau nó đang bộc lộ ra, hoặc là bạn mua cho nó một cái đầm mới hơn là đồng cảm với các cảm xúc của nó một cách yêu thương, cũng như vậy đứa trẻ bên trong của bạn sẽ cảm thấy bị khước từ bởi chính bạn khi bạn trở nên nghiện ngập thay vì ôm ấp các cảm xúc với đầy lòng trắc ẩn và học hỏi từ các cảm xúc của bạn. Bạn có thể nghĩ bạn đang tưởng thưởng cho chính mình khi trở nên nghiện ngập, nhưng bất cứ khi nào bạn phớt lờ cảm giác của bạn theo bất cứ cách thức nào, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, chán nản, tội lỗi, xấu hổ hay tức giận mà đó là kết quả của việc tự phủ nhận mình. Như vậy, để tránh những cảm giác này, bạn lại càng từ chối bản thân hơn với những lời tự phán xét, hay phớt lờ đi các cảm giác của mình, giữ mình trong tâm trí và/hoặc sa đà vào các chứng nghiện ngập.
4. Khiến người khác chịu trách nhiệm cho các cảm xúc của bạn
Có phải bạn trưởng thành với niềm tin rằng những người khác phải chịu trách nhiệm về việc khiến cho bạn cảm thấy an toàn và có giá trị không? Trong khi cha mẹ chúng ta chịu trách nhiệm cho điều này khi chúng ta còn nhỏ, nhưng khi làm người lớn điều này phụ thuộc vào chúng ta trao cho chính bản thân mình sự chú ý và công nhận, trong tình yêu thương mà chúng ta cần để được cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương và có giá trị. Thậm chí, kể cả có một vài người nào khác yêu thương chúng ta, nếu bạn phủ nhận bản thân theo những cách thức ở trên, thì bạn sẽ không cảm thấy được yêu và có giá trị.
Có phải bạn đã học cách từ bỏ bản thân, hay bực tức với người khác, để cố gắng nhận được yêu thương và tránh chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính mình không? Nếu bạn có một đứa con thực sự và bạn luôn tìm kiếm một người nào khác để chăm sóc đứa trẻ - một người để bạn “tống khứ” đứa bé cho họ - đứa trẻ đó sẽ thường xuyên cảm thấy bị bạn từ chối. Một lần nữa, điều này cũng đúng như thế trên bình diện nội tâm bên trong. Đứa trẻ bên trong của bạn cảm thấy bị phủ nhận sâu sắc bởi chính bạn khi bạn không chịu trách nhiệm cho việc đối xử yêu thương với những cảm giác của chính mình, và thay vào đó là tìm một ai đó để trao cho bạn điều mà cha mẹ bạn có lẽ đã không thể trao cho bạn.
Có thể ngừng lại việc tự phủ nhận bản thân không? Có thể!
Bạn có thể học cách nhận trách nhiệm cho những cảm giác của chính mình. Bạn có thể học cách đối xử yêu thương với nỗi đau của bạn. Đó là điều tôi đã phải học mới làm được, và nếu tôi có thể học làm được thì bạn cũng có thể! Đây là điều tôi giúp các thân chủ của tôi làm được, và đây là việc hàng ngàn người học làm được thông qua thực hành tiến trình Kết Nối Nội Tâm (Inner Bonding process). Khi bạn học được cách yêu thương bản thân mình hơn là từ chối bản thân, thì khi đó bạn có thể thực sự chia sẻ yêu thương với những người khác, còn hơn là thường xuyên cố gắng giữ chặt tình yêu và tránh né nỗi đau bị khước từ.
Nguồn bài dịch: https://www.huffpost.com/entry/self-rejection_b_2597926
Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments