top of page

Ảnh Hưởng Của Việc Hành Nghề Tâm Lý Trị Liệu Lên Đời Sống Cá Nhân Của Nhà Trị Liệu Như Thế Nào?

Đã cập nhật: 9 thg 12, 2019

Một nghiên cứu mới, được công bố trên Nghiên cứu Tâm lý trị liệu, khảo sát về việc hành nghề tâm lý trị liệu ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống cá nhân của nhà trị liệu. Các chủ đề xác định trong nghiên cứu định tính được thực hiện với các nhà trị liệu ở Na Uy cho thấy tâm lý trị liệu có ý nghĩa phức tạp, cả tích cực và tiêu cực, đối với cuộc sống cá nhân của các nhà trị liệu.


"Những chủ đề này truyền đạt một ý nghĩa rằng trở thành một nhà trị liệu có khả năng dẫn đến sự cởi mở, tăng trưởng, khoan dung và sáng tạo, đồng thời có nguy cơ trở nên quá tải với cảm giác trách nhiệm, thấy mình thiếu sót chưa làm đủ và tự nghi ngờ có thể dẫn đến sự cô lập và tuyệt vọng" viết bởi nhiều tác giả, được hướng dẫn bởi Marit Råbu, một giáo sư tại Đại học Oslo ở Na Uy.



Các cá nhân làm việc trong ngành tâm lý trị liệu, như với hầu hết các nghề nghiệp, có thể trải nghiệm mục đích và giá trị trong công việc của họ, cũng như sự căng thẳng và sự không hài lòng trong công việc có thể dẫn đến kiệt sức. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã tập trung vào cách các nhà trị liệu bị ảnh hưởng bởi công việc của họ trong cuộc sống cá nhân như thế nào và ngược lại cuộc sống cá nhân của nhà trị liệu tác động đến công việc lâm sàng của họ ra sao.


Một nghiên cứu cho thấy các nhà trị liệu tâm lý vừa hài lòng, vừa suy sụp về mặt cảm xúc nhiều hơn các nhà tâm lý học nghiên cứu. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng căng thẳng từ công việc trị liệu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và gia đình của nhà trị liệu. Các tác giả viết: "Những nhà trị liệu được yêu cầu phải kết nối, và rồi trở nên thân thiết, sau đó tách ra khỏi hết thân chủ này đến thân chủ khác một cách thường xuyên. Kiểu mẫu công việc này có thể có tác động đến cuộc sống cá nhân của nhà trị liệu, bao gồm thiếu khả năng hiện diện về mặt cảm xúc đối với các thành viên trong gia đình và không khoan dung về mối quan hệ ‘hời hợt bề ngoài' với bạn bè".


Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tác động của việc trở thành một nhà trị liệu khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn nghề nghiệp. Các sinh viên đang thực tập trị liệu thường báo cáo các tác động cá nhân tích cực do có được sự tự nhận thức nhiều hơn, trong khi các bác sĩ lâm sàng đã đi làm lâu với nhiều kinh nghiệm có xu hướng tập trung vào sự căng thẳng được tạo ra từ công việc của họ. Các nhà trị liệu cao cấp có nhiều khả năng tập trung vào những cách thức mà việc đảm nhận vai trò của họ như một nhà trị liệu góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân.


Các nghiên cứu cho đến nay đã tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, "Việc trở thành một nhà trị liệu tâm lý và hành nghề trọn cả sự nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của bạn như thế nào?". Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 12 nhà trị liệu cao cấp ở Na Uy bằng phương pháp phân tích chuyên đề. Những người tham gia bao gồm 7 phụ nữ và 5 người đàn ông với độ tuổi từ 68 đến 86. Những người tham gia có sự nghiệp là nhà trị liệu tâm lý trong thời gian trung bình là 40 năm.


"Đối với những người có chuyên môn lâu năm này, cuộc sống của một người làm nghề nghiệp liên quan đến việc kết nối thân thiết với những người khác thì góp nhặt những trải nghiệm theo như họ mô tả là vừa phong phú vừa đầy gánh nặng."


Các tác giả xác định bốn chủ đề cấu thành:

Chủ đề 1: “Đó là một đặc ân để có cơ hội biết và đóng góp, và được phép phát triển cá nhân.”

Những người tham gia nói rằng công việc lâm sàng của họ làm phong phú cuộc sống cá nhân của họ. Các tác giả miêu tả: “Khía cạnh cảm xúc của mối quan hệ trị liệu, trải lòng trắc ẩn với những đau khổ theo thời gian, cho phép một sự hiểu biết sâu sắc về điểm mạnh và năng lực của con người nói chung.”



Chủ đề 2: "Đối mặt với đau khổ và sự tàn phá tâm lý đã trở thành một gánh nặng."

Một người tham gia đã minh họa chủ đề này bằng cách nêu rõ, "Gánh nặng lớn nhất chính là trách nhiệm và việc phải tiếp xúc với quá nhiều đau khổ." Một người tham gia khác đã mô tả tác động của gánh nặng này đối với cuộc sống cá nhân của họ, "Phải chịu đựng quá nhiều trách nhiệm và còn phải hiểu được thân chủ đã phải trải qua nỗi cô đơn lớn đến cỡ nào. Một việc chắc chắn là tôi không thể nào không vương vấn một chút gì từ áp lực này rồi lại mang nó theo về nhà. Và điều đó có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của tôi". Những người tham gia cũng nhận thấy rằng làm việc với các khách hàng có ý định tự tử thì cực kỳ kiệt sức và nặng nề.


Chủ đề 3: "Làm một nhà trị liệu đã có tác động đến các mối quan hệ cá nhân của tôi, dù theo hướng tốt hơn hay xấu hơn."

Một số người tham gia nói rằng công việc của họ giúp họ trở nên mạnh dạn cởi mở hơn, điều này dẫn đến nhiều cơ hội hơn để xây dựng mối quan hệ với những người khác. Mặt khác, một người tham gia đã mô tả sự cạn kiệt cảm xúc trong công việc của họ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của họ với người bạn đời của họ như thế nào, "Tôi bị mất kết nối một chút. Điều đó có nghĩa là tôi đã cho đi quá nhiều đến nỗi khiến bản thân mình lâm vào tình trạng thiếu thốn”. Một người tham gia khác mô tả nó như sau: "Bạn đặt cuộc sống nội tâm của mình vào những người bạn không cùng chung sống, và tôi nghĩ rằng điều đó làm nên một rào chắn đối với những người khác."


Chủ đề 4: "Tôi cần phải xây dựng một cách sống cho phép tôi tiếp tục thực hiện công việc."

Các tác giả mô tả chủ đề này bằng cách nêu ra, "Những gánh nặng liên quan đến việc trở thành một nhà trị liệu dường như cần phải làm việc tích cực trong việc tự chăm sóc bản thân, và các nhà trị liệu nói chung đều nói về cách họ đã phát triển lòng trắc ẩn với bản thân mình nhiều hơn như thế nào trong suốt cuộc đời của họ”.


Theo các nhà nghiên cứu, "khái niệm về ‘cân bằng’ công việc và cuộc sống không đưa ra một cách hiểu thỏa đáng về cách thức các nhà trị liệu học hỏi nhằm quản lý cuộc sống của họ." Thay vào đó, các nhà nghiên cứu mô tả cách các bác sĩ lâm sàng "có được khả năng tồn tại trong các thực tế song song và một trong những cách mà họ thực hiện điều này là đồng kiến tạo cùng với những người khác trong cuộc sống của họ, một tập hợp những thực hành cho phép họ thoải mái di chuyển giữa các bối cảnh, chẳng hạn như chuyển đổi giữa công việc và gia đình.”



Các tác giả cũng lưu ý về văn hóa tiến hành trị liệu của những người tham gia, "Làm một nhà trị liệu trong môi trường chăm sóc sức khỏe theo cách quản lý hiện nay có khả năng tạo ra những nguồn căng thẳng và sự hài lòng khác biệt rất nhiều so với những kinh nghiệm của liệu pháp thực hành tư nhân trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế". Các tác giả xác định rằng có một chủ đề nổi lên đó là vẫn còn tồn tại câu hỏi về việc liệu cuộc sống và sự nghiệp của người tham gia có phải là đã "sử dụng thời gian hiệu quả" hay không. Họ cho rằng các cuộc phỏng vấn từ các nhà trị liệu trước đó trong sự nghiệp của họ có thể tạo ra một viễn cảnh khác, và có thể ít lạc quan hơn.


Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng những mô tả đầu tiên của người tham gia về tác động của công việc của họ là cực kỳ tích cực. Các tác giả kết luận "Kết quả của nghiên cứu này củng cố những phát hiện của nghiên cứu trước đó, đó là cuộc sống cá nhân của các nhà trị liệu được thăng hoa thông qua ý thức về vai trò chuyên môn nghề nghiệp có giá trị và được coi trọng, đặc trưng bởi việc học hỏi cá nhân tích cực trong các lĩnh vực như tự nhận thức, phát triển cá nhân và chất lượng mối quan hệ giữa các cá nhân.”


 

Nguồn

Råbu, M., Moltu, C., Binder, P.-E., & McLeod, J. (2016). How does practicing psychotherapy affect the personal life of the therapist? A qualitative inquiry of senior therapists’ experiences. Psychotherapy Research, 26(6), 737-749, doi:10.1080/10503307.2015.1065354 (Abstract)


 

Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page