Compassio

11 tháng 10 20197 phút

5 Cách để giải quyết tình trạng quá nhạy cảm về mặt cảm xúc

Tôi chưa từng là người tôn thờ ánh nắng mặt trời. Tôi trông hơi tái, một màu nhợt nhạt pha trộn giữa người Ireland, người Scotland và người Anh, vì thế da tôi chuyển từ màu trắng bệch sang màu đỏ như tôm luộc trong vòng hai mươi phút.

Có một lần nọ khi tôi còn tuổi teen, một ai đó vô tình đập vào cái lưng đang bị cháy nắng của tôi. Tôi bật khóc nức nở. Cô ấy xin lỗi chân thành và tôi nói tôi ổn không sao cả, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy tức giận.

Cô ta không thấy da tôi đỏ đến cỡ nào à? Tôi đã di chuyển chậm đến như thế cơ mà? Một vài người bị cháy nắng phát ra những tín hiệu rất rõ ràng, hoặc là tôi nghĩ thế. Làm thế nào mà cô ấy có thể không biết tôi đang bị đau chứ?

Bây giờ tôi có thể hiểu làm sao mà những tín hiệu tôi phát ra không rõ ràng tí nào. Hầu hết chúng ta quá bận bịu đến nỗi lướt qua cuộc sống của bản thân, do vậy chỉ có người nhạy cảm mới có thể nhận thấy người khác đang đau đớn.

Vì thế, khi ai đó vô tình làm trầm trọng thêm vết thương của tôi, thì ai là người có lỗi? Là họ, vì vô tình không để ý thấy tôi đang bị đau? Hay là tôi, vì không cảnh báo họ chú ý hơn?

Câu trả lời, dĩ nhiên là, không phải lỗi tại ai cả. Đó là một tai nạn mà thôi. Bất kỳ người trưởng thành nào cũng nhận ra điều này, và thay vì mắc kẹt vào việc đổ lỗi hay thấy tội lỗi, ngay lập tức sẽ thực hiện bước sửa chữa sai lầm và cam đoan rằng điều này sẽ không xảy ra nữa.
 

Đây là điều đặc biệt đúng đắn đối với nỗi đau cảm xúc.

Một người bạn đã từng làm tổn thương cảm xúc của tôi mọi lúc. Một cách vô tình thôi. Những hành động của anh ấy thì chưa bao giờ thể hiện công khai ra là có ác tâm. Nhưng mà anh ấy cũng chẳng để tâm những tín hiệu thể hiện nỗi đau cảm xúc của tôi, cũng như cái người mà đập vào vết cháy nắng của tôi không để ý những tín hiệu từ cơ thể của tôi.
 

Các cảm xúc của tôi cảm thấy như bị “cháy nắng” rồi.

Anh ấy đã biết về một mối quan hệ từ vài năm trước mà nó đã để lại những khía cạnh gai góc trong tôi. Nhưng “lớp vỏ bọc bên ngoài” tính cách lạc quan, thích giao du tự nhiên của tôi che giấu mức độ nhạy cảm tôi vẫn thường cảm thấy, giống như chiếc áo khoác mùa hè mỏng manh đã và đang che giấu đi mức độ “cháy nắng” của tôi.
 

Anh ta không nhận ra thái độ hoàn toàn ngây ngô của anh ta đã kích hoạt nỗi đau sâu sắc trong tôi.

Khi còn trẻ tuổi, tôi hẳn đã đổ lỗi cho anh ta vì làm tổn thương tôi. Cảm ơn trời đất, tôi đã đủ trưởng thành để nhận thấy rằng anh ta không gây ra nỗi đau của tôi; anh ấy chỉ ngẫu nhiên chọc vào trúng tim đen mà tôi đã sẵn có mà thôi.

Tôi luôn luôn cực kỳ nhạy cảm, về mặt cảm xúc. Tôi thường đánh mất khả năng nói lên rõ ràng điều tôi đang cảm thấy, hay điều tôi cảm nhận từ người khác, nhưng tôi cảm thấy được điều đó. Ồ, bạn ơi, tôi thực sự cảm thấy được nó mà.

Và sau đó tôi chấp nhận rằng người khác thường là không nhận thức được về sự nhạy cảm của tôi và những cảm xúc của tôi dễ bị tổn thương đến mức nào. Từ đó tôi nhanh chóng phát triển nên một phương thức kiểm tra nguyên nhân thực sự của bất cứ nỗi đau nào của mình mà tôi cảm nhận được.
 

Tôi sử dụng năm câu hỏi sau đây:

1. Đây có phải là do cố ý?

Tạm gác nỗi đau đớn của tôi qua một bên trong giây lát, tôi nhìn lại tình huống từ góc nhìn của người khác xem sao.

Có phải cô ta hay anh ta cố tình khiến tôi cảm thấy như thế này? Hiếm khi một người tốt nhằm mục đích ác độc, và điều đó là hiển nhiên với một người xấu tính đang bắt nạt. Khi tôi tin tưởng rằng những người khác không phải đang cố gắng làm tổn thương tôi, tôi có thể không cần để ý tới họ và tập trung vào điều tôi đang cảm thấy.
 

2. Tôi đang cảm thấy gì?

Khi chúng ta đang đau đớn, việc đổ lỗi cho người làm chúng ta đau đớn là cơ chế bảo vệ tự nhiên. Chúng ta phóng chiếu nỗi đau ra ngoài thành cơn giận dữ hơn là chuyển hướng chú ý của mình vào bên trong để chữa lành. Có phải chúng ta buộc tội người khác làm chúng ta cảm thấy vô giá trị? Ngu ngốc? Bị phớt lờ? Lúng túng? Không thu hút? Không được yêu và không đáng được yêu thương?

Thấy mặt đặt tên những lời buộc tội này để cho chúng ta đào sâu vào bên dưới bề mặt để tìm thấy điểm nhạy cảm mà nó đang bảo vệ, và thấy rõ điều gì đang thực sự diễn ra.
 

3. Điều gì đang thực sự diễn ra?

Một khi tôi xác định được mình đang cảm thấy gì, tôi muốn tìm hiểu tại sao mình cảm thấy như vậy. Tôi đang thực sự vật lộn với cái gì? Nó thường là một chủ đề lặp đi lặp lại tập trung quanh những điểm bất an trong tôi

Ví dụ như, nếu một ai đó “khiến” bạn cảm thấy mình ngu ngốc, có lẽ bạn nghi ngờ khả năng và trí thông minh của chính mình. Nếu một người nào đó “khiến” bạn cảm thấy mình vô giá trị, có thể bạn không chấp nhận giá trị nội tại của mình như một con người đang tồn tại trên cõi đời này.
 

Tôi thường cảm thấy bị bỏ quên hay bị người ta lờ mình đi, bởi vì tôi là một người hay nỗ lực vượt bậc hơn người, mà tôi vẫn đang vật vã với những cảm giác không đủ hoàn hảo.
 

4. Tìm sự khuây khỏa ở đâu?

Một khi bạn tìm ra được bạn nhạy cảm ở điểm nào, tâm dược trị tâm bệnh sẽ giúp làm dịu đi chỗ đau nhói. Có lẽ bạn cần yên tĩnh một mình trong một lúc. Không sao cả. Cũng tốt nếu lên tiếng nhờ sự giúp đỡ. Điều khuây khỏa ưa thích của tôi là dành thời gian cùng với bạn bè, nhưng thỉnh thoảng tôi hơi khó khăn để yêu cầu điều đó.

Tôi từng nghĩ rằng lên tiếng nhờ giúp đỡ là một dấu hiệu chỉ ra sự yếu đuối trong tôi. Khi tôi giúp đỡ bạn bè mình, tôi chưa từng phán xét họ như là một kẻ yếu đuối. Họ chỉ đơn giản đang trải qua một thời điểm khó khăn, và tôi muốn giúp họ cảm thấy hăng hái lên thôi.

Đó là khi tôi nhận ra rằng việc không lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ tức là từ chối cho họ một cơ hội trở thành bạn bè của mình. Bây giờ tôi cảm thấy rằng nhờ vả sự giúp đỡ thì giống như đang trao đi một món quà. Tôi đang trao cho những người bạn của mình một thứ gì đó họ mong muốn: một cơ hội trở thành bạn của tôi.

Có thể tôi cần một chút xao nhãng khuây khỏa, và chúng tôi chỉ việc đi chơi cùng nhau. Có thể tôi cần nói qua điều gì đã xảy ra để tìm cách làm sao để điều đó không tái diễn nữa. Nó không thành vấn đề. Tôi nói cho họ điều tôi cần là gì, họ cung cấp nó một cách vui vẻ, và cả hai chúng tôi đều cảm thấy tốt đẹp lên hơn.
 

5. Làm cách nào để tôi ngăn chặn điều đó lặp lại lần nữa?

Hãy tin tưởng vào mối quan hệ của bạn đủ để nói với người đã làm tổn thương bạn về chính cái điều gây tổn thương. Có khi là, người khác không hề cố ý làm bạn thương tổn đâu.

Đây là phần khó khăn nhất đối với tôi. Tôi luôn lo lắng họ sẽ nghĩ tôi đang than vãn hay đổ lỗi. Hãy làm rõ bạn không phải đang đổ lỗi cho họ và không muốn họ cảm thấy tội lỗi. Bạn chỉ đơn giản muốn chia sẻ sự thật rằng bạn có một điểm nhạy cảm.

Hãy cùng nhau tìm ra cách làm thế nào để tránh chọc vào sự nhạy cảm đó, và lên kế hoạch làm sao để giải quyết nó khi điều đó lại tái diễn lần nữa.
 

Tất cả chúng ta đều có những bất an của riêng mình - những cảm xúc “cháy nắng” của chúng ta. Chấp nhận và chăm sóc những điểm quá nhạy cảm đó giúp chúng ở trong vòng an toàn bảo vệ cho tới khi được chữa lành. Và chúng sẽ lành lặn trở lại, giống như là cách vết cháy nắng lành lại.
 

Hãy bao quanh xung quanh mình những thành viên gia đình và bạn bè hỗ trợ bạn. Đó là “kem chống nắng” cho tâm hồn.
 


Nguồn bài dịch: https://tinybuddha.com/blog/5-ways-to-deal-with-emotional-oversensitivity/

Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

    1